Vì sao Mỹ thống trị bóng đá nữ thế giới ?
Năm 1972, nước Mỹ ban hành một đạo luật mà đến nay người ta vẫn gọi ngắn gọn là “Title IX”, với nội dung cấm phân biệt giới tính trong mọi chương trình hoặc hoạt động giáo dục do chính quyền liên bang tài trợ. Thể thao nữ của Mỹ, đặc biệt là bóng đá nữ, lập tức phát triển đại nhảy vọt trong học đường. Vào đầu thập niên 1970, chỉ có khoảng 700 nữ sinh Mỹ chơi thể thao trong trường học. Hai mươi năm sau, con số này tăng lên đến 120.000 – tức là tăng đến hơn 17.000%!
Đi trước châu Âu hàng chục năm
Trước khi nước Mỹ ban hành “Title IX”, có khoảng 50.000 nam sinh viên vào đại học bằng học bổng thể thao, so với khoảng 50 nữ sinh viên. Bây giờ, khi mà mọi điều kiện tập luyện, cơ sở vật chất tốt nhất đều đã mở ra, sẵn sàng đón nhận – người ta trang bị những gì cho thể thao nam thì cũng phải trang bị như thế cho thể thao nữ – các nữ sinh Mỹ ồ ạt bước vào cao đẳng hoặc đại học với học bổng thể thao trên tay.
Sức mạnh của nền thể thao học đường Mỹ thì không cần giới thiệu nữa. Câu hỏi ở đây: tại sao bóng đá nữ ở Mỹ lại đặc biệt phát triển như thế? Một phần nguyên nhân là vì bóng đá nam của Mỹ… chẳng có gì. Khắp nơi trên thế giới, bóng đá đã phát triển rực rỡ, nhưng cứ phải hiểu ngầm: đấy chỉ là bóng đá nam. Một cách gần như mặc nhiên: bóng đá là môn chơi của nam giới, không có chỗ cho nữ giới. Ở Mỹ thì ngược lại: vì bóng đá nói chung coi như chưa phát triển nên cũng chẳng ai quan tâm, phản đối, khi một nữ sinh bước ra chơi bóng! Đấy là môn thể thao đồng đội, không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp mọi người gắn kết với nhau, thế thôi.
Khi bóng đá nữ bùng nổ trong trường học ở Mỹ thì ở châu Âu, người ta chỉ mới bắt đầu gỡ bỏ cái lệnh cấm nữ giới chơi bóng, đã được áp dụng suốt nửa thế kỷ. Nơi này hoặc nơi khác cũng chỉ xem đấy là biện pháp đối phó dư luận – như Đan Mạch: không cấm nhưng cũng chẳng công nhận. Liên Xô vẫn cấm bóng đá đến khi nước này tan rã! Có nền tảng thể thao học đường, có số lượng rất lớn các cầu thủ trẻ tập luyện thường xuyên, Mỹ coi như đi trước phần còn lại của thế giới đến vài chục năm trong lĩnh vực bóng đá nữ.
Phần còn lại của thế giới khá đồng đều
Không có gì lạ khi đội tuyển Mỹ cũng chính là nhà vô địch World Cup nữ đầu tiên, năm 1991. Đến khi Mỹ vô địch lần nữa tại World Cup 1999, trên sân nhà, thì đấy là sự khẳng định bền vững của thế lực số 1 thế giới về bóng đá nữ. Vấn đề không chỉ là thành tích, mà còn là hình ảnh. Có đến 90.000 khán giả phủ kín Sân vận động Rose Bowl ở Pasadena, California trong trận chung kết. Hình ảnh Brandi Chastain quỳ gối với chiếc áo lót thể thao, ăn mừng sau khi sút thắng quả luân lưu 11 m quyết định, đã trở thành ấn tượng đọng mãi trong lịch sử bóng đá nữ.
Mỹ chưa bao giờ đứng ngoài tốp 3 trong suốt lịch sử World Cup nữ (4 lần vô địch, giải đấu này ra đời vào năm 1991). Chỉ có một lần họ bị loại khỏi bán kết ở đấu trường Olympic (4 lần đoạt HCV, môn bóng đá nữ xuất hiện lần đầu tại Olympic vào năm 1996). Ở giải vô địch CONCACAF thì Mỹ vô địch 9/11 lần của giải (Canada vô địch 2 lần còn lại, trong đó có 1 lần Mỹ không tham dự). Từ khi FIFA ban hành bảng xếp hạng cho các ĐTQG nữ vào năm 2003, đội tuyển Mỹ đã chiếm vị trí đầu bảng trong hơn 13 năm và chưa bao giờ rơi xuống thấp hơn vị trí số 2. Ngoài Mỹ, chỉ có đội tuyển Đức từng đứng đầu bảng xếp hạng bóng đá nữ thế giới.
Tuy nhiên, bóng đá nữ thế giới nhìn chung vẫn phát triển đồng đều hơn so với bóng đá nam. Trong 8 kỳ World Cup nữ đã được FIFA tổ chức, có đến
4 đội thuộc 3 châu lục khác nhau từng lên ngôi vô địch (Mỹ, Na Uy, Đức, Nhật). Trung Quốc, Thụy Điển, Brazil, Hà Lan thì đã vào đến chung kết. World Cup nam thì xưa nay chỉ có 8 đội thuộc châu Âu và Nam Mỹ từng lên ngôi vô địch, trong 22 lần giải. Cũng chỉ có các đội châu Âu và Nam Mỹ từng đá chung kết World Cup.
Trong 7 kỳ Olympic có bóng đá nữ, có 4 đội từng đoạt HCV (Mỹ, Na Uy, Đức, Canada), chưa kể 4 đội khác từng vào chung kết (Trung Quốc, Brazil, Nhật, Thụy Điển). Tóm lại, hàng ngũ cường quốc bóng đá nữ gồm đủ đại diện các khu vực trên thế giới: châu Á (Trung Quốc, Nhật, Úc, Hàn Quốc), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), Nam Mỹ (Brazil), châu Phi (Nigeria). Riêng châu Âu thì có rất nhiều đội mạnh ngang tầm: Thụy Điển, Na Uy, Đức, Anh, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha đều nằm trong tốp 12 thế giới. Thú vị ở chỗ: các siêu cường về bóng đá nam như Ý, Argentina lại không quá mạnh về nữ (hoặc ngược lại). Đức là nền bóng đá duy nhất rất mạnh cả về nam lẫn nữ.
Nguồn: Báo Thanh Niên