Tìm hiểu cách Hàn Quốc phát triển thể thao mùa đông hậu Olympic và nhiều bài học quý cho Việt Nam

Ngay từ khi lên kế hoạch tổ chức, Olympic PyeongChang 2018 đã đưa ra một tầm nhìn lớn là phát triển hơn nữa thể thao mùa đông bằng cách tăng cường tiếp cận với thế hệ trẻ. Kết hợp với vị trí chiến lược của Hàn Quốc ở châu Á, cũng như khả năng tiếp cận thanh thiếu niên và sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, xã hội, tầm nhìn trên cho tới nay đã trở thành một di sản của Olympic PyeongChang.

Olympic PyeongChang 2018 có tác động tích cực tới sự phát triển của thể thao mùa đông quốc gia và khu vực. Ảnh: Olympics.

Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tới với thể thao mùa đông

Vào năm 2018, sự kiện này đã quy tụ hơn 2.800 vận động viên tới thi đấu, với số lượng kỷ lục 1.169 vận động viên nữ. Hơn một phần tư dân số thế giới đã theo dõi chương trình phát sóng PyeongChang 2018 và đưa sự kiện này trở thành Thế vận hội mùa đông được xem nhiều nhất vào thời điểm đó.

Khán giả đã được xem ngôi sao trượt tuyết băng đồng người Na Uy Marit Bjørgen giành được 5 huy chương tại PyeongChang, nâng tổng số huy chương Olympic của bà lên 15 huy chương, trong đó có 8 huy chương vàng. Ở tuổi 37, thành tích này giúp Bjørgen trở thành vận động viên Olympic thành công thứ ba mọi thời đại, xếp sau vận động viên bơi lội Michael Phelps và vận động viên thể dục dụng cụ Larisa Latynina.

Bjørgen nói sau chiến thắng ấn tượng ở cự ly 30 km: “Thật không thể tin được khi tôi nhìn lại và thấy những gì mình đã làm. Đây là Thế vận hội cuối cùng của tôi và kết thúc như thế này thật tuyệt vời”.

Tại những hạng mục thi đấu khác, Chloe Kim, một vận động viên ở tuổi thiếu niên người Mỹ, đã khiến cả sân thi đấu ngỡ ngàng khi giành huy chương vàng môn trượt ván dành cho nữ tại Công viên tuyết Phoenix.

Với những khán giả Hàn Quốc, vận động viên quê nhà Minjeong Choi đã giành được hai huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic đầu tiên ở nội dung trượt băng tốc độ cự ly 1500m và 3000m tiếp sức. Choi đang được đánh giá là một trong những nữ vận động viên trượt băng tốc độ cự ly ngắn của Hàn Quốc xuất sắc nhất mọi thời đại.

Các cơ sở thi đấu Olympic Pyeongchang đang được sử dụng để đào tạo thế hệ trẻ. Ảnh: PyeongChang 2018 Legacy Foundation.

Thành công lớn của PyeongChang 2018

Hơn nửa năm sau khi Thế vận hội kết thúc, PyeongChang 2018 vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý khi công bố khoản lợi nhuận 55 triệu USD. Khoản tiền này đến từ việc bán được 30.000 vé và giảm được chi phí truyền thông. Số tiền trên đã được sử dụng để thành lập Quỹ Di sản PyeongChang với mục tiêu là tiếp tục lan tỏa ảnh hưởng của PyeongChang 2018. Và một trong tâm của Quỹ này là khuyến khích giới trẻ tham gia mạnh mẽ vào thể thao mùa đông.

Được đặt tên theo linh vật của Thế vận hội, hai khu trại thể thao Soohorang và Bandabi đang tìm cách thu hút giới trẻ thông qua các chương trình giáo dục thể thao. Triển khai hoạt động tại các địa điểm Olympic ở PyeongChang và Gangneung, hai khu trại mở cửa cho học sinh từ khắp Hàn Quốc. Vào năm 2022, họ đã tiếp nhận hơn 2000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở từ 39 trường. Họ cũng tổ chức chương trình cho những người từ 18 đến 23 tuổi, đồng thời tạo cơ hội cho 100 người gặp gỡ các vận động viên Olympic Hàn Quốc, tìm hiểu về các Giá trị Olympic và thử sức với các môn thể thao mùa đông.

Dựa trên thành công của trại thể thao Soohorang và Bandabi, Trại thể thao Gangwon đã được khánh thành vào năm 2022, hướng đến đối tượng là thanh niên Hàn Quốc có hoàn cảnh khó khăn, những người ít cơ hội thử sức với các môn thể thao mùa đông. Khu trại này tổ chức nhiều chương trình ngắn trong 5 ngày, tạo điều kiện cho những người tham gia được học trượt tuyết, tham quan các địa điểm tổ chức Olympic và tìm hiểu về các giá trị của Olympic.

Những người trẻ tuổi từ các quốc gia khác cũng đã có cơ hội khám phá các môn thể thao mùa đông ở PyeongChang, thông qua Học viện Chân trời Mới. Được đặt tên theo tầm nhìn của Thế vận hội, Học viện này hướng đến phát triển thể thao mùa đông tại các quốc gia còn non trẻ.

Arram Kim thuộc Quỹ Di sản Pyeongchang 2018 cho biết: “Trở lại năm 2011, khi chúng tôi tranh quyền tổ chức Thế vận hội, chúng tôi đã hứa sẽ tạo ra nhiều điều mới cho thể thao mùa đông. Chúng tôi đã hứa sẽ giúp các quốc gia khác phát triển các chương trình thể thao mùa đông bằng cách cho phép họ sử dụng các cơ sở vật chất dành cho Olympic và chia sẻ bí quyết huấn luyện của chúng tôi. Chúng tôi đang giữ lời hứa mà chúng tôi đã thực hiện 12 năm trước, thông qua Học viện Chân trời mới”.

Từ PyeongChang 2018 đến Gangwon 2024

Cơ sở hạ tầng phục vụ Thế vận hội PyeongChang 2018 tiếp tục phát huy trong YOG 2024. Ảnh: Olympics.

Từng đăng cai Thế vận hội mùa đông một lần, PyeongChang và Gangneung, đều thuộc tỉnh Gangwon, đã được trang bị đầy đủ để tổ chức Thế vận hội Olympic trẻ mùa đông (YOG) vào năm 2024. Hầu hết các sự kiện sẽ được tổ chức tại các địa điểm từng được xây dựng dành cho Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Trong số 12 địa điểm thi đấu của Thế vận hội PyeongChang 2018, 11 địa điểm vẫn được sử dụng quanh năm và 7 địa điểm trong số nơi này sẽ được sử dụng cho Gangwon 2024.

Các sự kiện thi đấu ngoài trời như trượt tuyết nhảy cầu, trượt tuyết kết hợp, hai môn phối hợp, trượt tuyết băng đồng và các môn thể thao trượt như xe trượt lòng máng, trượt băng nằm ngửa hay trượt băng nằm sấp sẽ được tổ chức tại Công viên Thể thao Alpensia ở PyeongChang. Các nội dung thi đấu trên băng trong nhà như khúc côn cầu, bi đá trên băng, trượt băng tốc độ và trượt băng nghệ thuật sẽ diễn ra tại Công viên Olympic Gangneung gần đó.

Kể từ sau Olympic PyeongChang 2018, các địa điểm thi đấu vẫn thường xuyên được sử dụng. Trung tâm Trượt tuyết Olympic Alpensia đã được sử dụng để tổ chức nhiều cuộc thi khác nhau, trong khi cơ sở đào tạo tại đây được nhiều vận động viên từ bốn quốc gia thể thao mùa đông mới – Campuchia, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan – sử dụng để chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2022. Australia, Israel, Nigeria và Mỹ cũng đã gửi vận động viên để đào tạo ở đó.

Du khách đến đây có thể khám phá xe trượt băng quanh năm, trong khi các vận động viên có thể sử dụng các cơ sở khác như Trung tâm chạy việt dã Alpensia, Trung tâm hai môn phối hợp Alpensia và Trung tâm nhảy cầu Alpensia để luyện tập.

Nhà thi đấu trên băng Gangneung, có sức chứa 12.000 người, đã được cải tạo sau Thế vận hội để trở thành một cơ sở thể thao đa năng mở cửa cho công chúng. Cả hai Làng Olympic, nằm ở PyeongChang và Gangneung, đã được chuyển thành khu dân cư, cung cấp nhà ở cho hàng ngàn người.

Nguồn: Báo Tổ quốc

Đánh giá bài viết