Liên đoàn bóng đá châu Phi là gì? Tổ chức những giải đấu nào?

Liên đoàn bóng đá châu Phi là gì?

Liên đoàn bóng đá châu Phi (tên tiếng Anh: The Confederation of African Football, viết tắt: CAF) là cơ quan điều hành, kiểm soát và tổ chức các giải đấu các bộ môn bóng đá 11 người, bóng đá trong nhà và bóng đá bãi biển tại châu Phi.

CAF là một trong sáu liên đoàn cấp châu lục của FIFA. CAF đại diện cho các liên đoàn thành viên của các quốc gia châu Phi. CAF đồng thời điều hành các giải đấu cấp châu lục ở cấp đội tuyển quốc gia cũng như cấp câu lạc bộ tại châu Phi. Đồng thời, CAF nắm quyền kiểm soát tiền thưởng, các quy định và quyền phát sóng các giải đấu nêu trên.

Kể từ World Cup 2026, Liên đoàn bóng đá châu Phi sẽ được phân bổ tối đa 10 suất dự World Cup. Cụ thể, các đội bóng xếp nhì bảng tại vòng loại World Cup châu Phi sẽ đá play-off liên lục địa để giành hai vé “vớt” dự World Cup.

CAF hiện có 54 liên đoàn thành viên là thành viên chính thức. Tổng thư ký hiện tại là ông Patrice Motsepe người Nam Phi. Từ năm 2002, trụ sởi chính của CAF được đặt tại Thành phố Cairo, Ai Cập. Trước đó, cơ quan này đặt trụ sở tại Khartoum (Khắc – Tum, thủ đô của Sudan).

Lịch sử hình thành Liên đoàn bóng đá châu Phi CAF

Tại Đại hội FIFA lần thứ 29 ở Bern, Thụy Sĩ vào tháng 6 năm 1954, bốn quốc gia đại diện cho bóng đá Châu Phi, gồm: Ai Cập, Sudan, Ethiopia và Nam Phi đã thành lập cơ quan sau này chính là Liên đoàn bóng đá châu phi.

Cũng tại Đại hội năm đó, Châu Phi lần đầu tiên được công nhận có quyền có đại diện trong Ban chấp hành FIFA. Ông Abdel Aziz Abdallah Salem, người Ai Cập, chính là người đưa ra đề xuất và giành quyền đại diện cho châu Phi.

CAF không dễ dàng để có được vị trí trong ủy ban của FIFA. Đại diện của LĐBĐ Argentina đã phản đối việc trao cho châu Phi và châu Á suất trong ban chấp hành FIFA. Cơ quan này lập luận rằng tiêu chuẩn bóng đá ở các châu lục này không đủ tốt, mặc dù kỳ Đại hội trước đó ở Paris năm 1953 đã đi tới quyết định trao quyền đại diện cho châu Phi.

Lập trường của Châu Phi được Vương quốc Anh và các nước phía đông ủng hộ, với 24 phiếu thuận, 17 phiếu chống. Sau đó, Đại hội đã bầu Abdel Aziz Abdallah Salem đại diện cho Châu Phi trong Ủy ban Điều hành cho đến khi một liên minh được thành lập.

Tới ngày 8/2/1957, Liên đoàn bóng đá châu Phi chính thức được thành lập. Ông Abdel Aziz Abdallah Salem trở thành chủ tịch đầu tiên của cơ quan này.

CAF gồm những nước nào?

Những ngày đầu thành lập, CAF chỉ có 4 liên đoàn thành viên. Trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành phát triển, hiện CAF đang có 55 thành viên. Ngoài ra, có ba liên đoàn đang chờ để trở thành thành viên chính thức của CAF, gồm Reunion, Zanzibar và Tây Sahara.

Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Phi đều là thành viên của CAF. Cơ quan này chia các liên đoàn thành viên theo khu vực địa lý để có thể quản lý và điều hành hoạt động một cách tốt nhất.

Liên đoàn bóng đá châu Phi được chia làm 5 liên đoàn khu vực. Năm liên đoàn trực thuộc gồm: Hiệp hội bóng đá Bắc Phi (5 thành viên), Hiệp hội bóng đá Tây Phi (16 quốc gia), Hiệp hội bóng đá Trung Phi (8 thành viên), Hội đồng bóng đá các nước Trung và Đông Phi (12 thành viên) và Hội đồng bóng đá các quốc gia khu vực Nam Phi (14 thành viên).

Riêng trường hợp của quần đảo Reunion, vì vị trí địa lý không nằm trong lục địa châu Phi nên không trực thuộc liên đoàn thành viên nào trong số trên. Liên đoàn bóng đá Reunion đã tham gia CAF từ năm 1992.

Liên đoàn bóng đá châu Phi tổ chức những giải đấu nào?

Các giải đấu cấp độ ĐTQG

  • Cup bóng đá châu Phi (AFCON – tên cũ: CAN) là giải vô địch các quốc gia châu Phi, tương tự Euro của UEFA (châu Âu) hay Asian Cup của AFC (châu Á). Kể từ năm 1968, giải đấu này được tổ chức hai năm một lần (vào các năm chẵn) trước khi được tổ chức vào các năm lẻ kể từ 2013.
  • Vòng loại World Cup khu vực châu Phi: kể từ năm 2026, các nước châu Phi sẽ tham dự vòng loại World Cup để cạnh tranh 9,5 suất dự giải đấu lớn nhất thế giới. 54 đội bóng sẽ được chia làm 6 bảng và đội nhất bảng sẽ giành vé trực tiếp. Bốn đội nhì có thành tích tốt nhất sẽ phải đá play off để giành vé vớt dự giải.
  • Giải vô địch các quốc gia châu Phi (African Nations Championship – CHAN). Giải đầu được thành lập từ năm 2008 nhằm khuyến khích các cầu thủ “tự đào tạo” tại châu Phi. Khác với AFCON, CHAN chỉ cho phép các cầu thủ đang thi đấu ở châu Phi tham dự.
  • Hệ thống giải trẻ U17 – U20 và U23 châu Phi. Đây là các giải đấu trẻ nơi các đội tuyển tại châu Phi cử đội trẻ tham gia thi đấu và tìm ra nhà vô địch.
  • Giải bóng đá học đường châu Phi: giải đấu được tổ chức giữa các trường trung học của các quốc gia châu Phi.
  • Giải vô địch futsal châu Phi. Giải đấu được thành lập từ năm 1998 theo chu kỳ bốn năm. Trong lịch sử, mới có ba đội bóng từng vô địch, gồm Ai Cập (ba lần), Morocco (hai lần) và Lybia (một lần).
  • Giải vô địch bóng đá bãi biển châu Phi. Đây là giải đấu để các đội tranh vé dự World cup bóng đá bãi biển. Senegal là đội giành nhiều chức vô địch nhất với bảy lần lên ngôi.
  • Ngoài ra, CAF cũng tổ chức các giải bóng đá nữ, gồm: giải vô địch bóng đá nữ châu Phi (WAFCON), vòng loại World Cup U20 dành cho nữ và giải vô địch U17 nữ châu Phi.

Các giải đấu cấp CLB

  • CAF Champions League đây là giải đấu được coi như ‘UEFA Champions League của châu Phi”. Phiên bản đầu tiên của CAF Champions League khởi tranh từ năm 1964 trước khi được thay đổi bộ nhận diện cũng như thể thức thi đấu.
  • CAF Confederation Cup là giải đấu cấp thấp hơn của CAF Champions League, tương tự như UEFA Europa League tại châu Âu. Năm 2004, CAF Confederation Cup chính thức khởi tranh.
  • Siêu cup châu Phi: trận đấu giữa đội vô địch CAF Champions League và CAF Confederation Cup để tìm ra nhà vô địch của Siêu cup châu Phi.
  • Siêu cup các CLB châu Phi: đây là giải đấu non trẻ nhất (ra mắt 17/7/2021) và thậm chí còn chưa tổ chức bất cứ trận đấu nào. Dự kiến, phải tới 8/2023 này, 24 CLB của châu Phi mới tham gia tranh tài tại Siêu cup các CLB châu Phi. Các đội bóng sẽ được chia khu vực với hệ thống đua vô địch, lên xuống hạng đầy đủ.
  • CAF Champions League dành cho nữ: phải tới năm 2020, giải đấu đầu tiên cấp CLB của bóng đá nữ châu Phi mới được tổ chức.

Các giải đấu cấp khu vực

Các liên đoàn khu vực của CAF chịu trách nhiệm tổ chức các giải đấu riêng ở khu vực của mình. Các giải này gồm có: giải vô địch khu vực Trung và Đông Phi, giải vô địch khu vực Tây Phi và giải vô địch khu vực Nam Phi.

Cơ cấu lãnh đạo CAF

Chủ tịch LĐBĐ châu Phi hiện tại là ông Patrice Motsepe người Nam Phi. Ông được bầu làm người đứng đầu cơ quan này vào năm 2021.

Hỗ trợ cho ông Patrice Motsepe là năm phó chủ tịch, gồm có: Augustin Senghor (người Senegal), Ahmed YahyaWaberi (người Mauritania), SouleimanSeidou (người Djibouti), Mbombo Njoya (người Cameroon) và Kanizat Ibrahim (người Comoros).

Tổng thư ký LĐBĐ châu Phi là ông Véron Mosengo-Omba người Congo-Kinshasa.

Nguồn: Bongda24h

Đánh giá bài viết