Bóng đá nữ và những con số chạnh lòng
Trước câu hỏi rằng “Ai coi mình là cầu thủ chuyên nghiệp?”, chỉ 40% coi mình là cầu thủ chuyên nghiệp; 35% tin rằng họ là nghiệp dư và 15% chọn bán chuyên. 66% trong số các cầu thủ được hỏi thừa nhận họ đang làm một lúc nhiều công việc để có tiền trang trải cuộc sống. Và họ phải xin nghỉ làm để tham gia các trận đấu cấp đội tuyển quốc gia.
Thống kê trên cho thấy sự thua thiệt rất lớn của nữ giới so với các đồng nghiệp nam khi theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số. 29% số tuyển thủ khi được hỏi cũng khẳng định họ không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào từ Liên đoàn nước nhà khi họ phục vụ màu cờ sắc áo đội tuyển. Được biết, các trường hợp này phần lớn đến từ CONCACAF và châu Phi, nơi bóng đá nữ vẫn rất thiếu thốn.
Nhưng ngay cả ở các nền bóng đá nữ tiên tiến nhất thế giới thì vẫn luôn có khoảng cách xa vời vợi giữa nam và nữ. Ví dụ như Sam Kerr, nữ cầu thủ được cho là nhận lương cao nhất thế giới (khoảng 530.000 USD/năm). Thu nhập của cô cũng chỉ bằng 1/100 những ngôi sao hàng đầu thuộc đấng mày râu.
Các nữ cầu thủ Pháp được nhận lương trung bình 55.000 USD/năm, trong đó Katoko (9) nhận cao nhất
Thực tế này là đáng buồn, nhưng khó tránh khỏi bởi hiện tại, ngoài châu Âu hay một số quốc gia phát triển tại châu Á thì bóng đá nữ vẫn chưa được chuyên nghiệp hóa, các cầu thủ vẫn phải vật lộn với thu nhập để trang trải cuộc sống.
Ngay ở với Na Uy, một trong những nền bóng đá mạnh nhất châu Âu, những nữ cầu thủ vẫn phải làm việc bán thời gian. Thống kê cho biết 60% số cầu thủ nữ tại quốc gia này có thu nhập dưới 100.000 NOK (tương đương 9.360 USD/năm) nên họ phải đi làm thêm để đủ chi tiêu.
Tại Pháp, nơi được coi là “thiên đường” cho các nữ cầu thủ tại châu Âu, trung bình mỗi cô gái đá bóng ở giải đấu cao nhất (Division 1 Féminine) sẽ nhận 55.000 USD/mùa, chỉ bằng mức lương tuần của một cầu thủ nam tầm trung bình khá.
FIFPro đưa ra những con số khác, cho thấy sự thiệt thòi của các cô gái đá bóng. 54% thừa nhận không được chăm sóc y tế trước giải đấu. 66% nói rằng các cơ sở phục hồi thể lực không đạt tiêu chuẩn, thậm chí phần nhiều trong số này còn không biết cơ sở phục hồi có tồn tại ở quốc gia của mình hay không.
70% cho rằng cơ sở vật chất phòng tập không đạt tiêu chuẩn cao cấp. 59% phải bay hạng phổ thông, bao gồm các chuyến bay đường dài, không được bay hạng sang như các đồng nghiệp nam, và 32% cho rằng sân bãi ở nước nhà chưa đạt tiêu chuẩn.
Nguồn: Tiền Phong