Bóng đá Nhật Bản tiến bước với ”kỷ nguyên Blue Lock”
Quá trình phát triển và hóa rồng của bóng đá Nhật Bản gắn liền với một thứ đặc sản mà không có bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới sở hữu: những bộ truyện tranh.
Năm 1981, Captain Tsubasa, hay gọi đơn giản là Tsubasa, ra đời dưới bàn tay của tác giả Takahashi Yoichi, có nhân vật chính là một cậu bé Nhật Bản mang tên Oozora Tsubasa, đã vượt lên từng nấc thang của bóng đá, hoàn thành giấc mơ tiến tới sân chơi chuyên nghiệp châu Âu và dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản chinh phục đấu trường thế giới. Tác phẩm đã truyền cảm hứng cho những thế hệ cầu thủ Xứ Mặt trời mọc nỗ lực vươn lên, cùng với nỗ lực vĩ mô bao gồm sự ra đời của J-League năm 1992 và tinh thần ‘’Âu tiến’’ mạnh mẽ, đã giúp bóng đá Nhật Bản, đội tuyển Nhật Bản lột xác, trở thành một cường quốc bóng đá hàng đầu châu Á.
Tính đến mốc thời gian năm 2018, Nhật Bản đã sở hữu một số lượng hảo thủ oanh tạc trời Âu đáng mơ ước, liên tục góp mặt ở các vòng chung kết World Cup và để lại ấn tượng nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một chút gì đó chặn lại Samurai Xanh ở những thời điểm quan trọng nhất, như cái cách họ dừng bước tại vòng 16 đội trước Bỉ ở World Cup 2018, bất chấp màn trình diễn cực thuyết phục của Inui và các đồng đội, dẫn trước đối phương đến 2-0 và tưởng đã rất gần với thắng lợi…
Với khát vọng của Tsubasa, như thế đã là thành tựu. Nhưng người Nhật muốn nhiều hơn thế. Và khát vọng ấy đã được truyền tải, tất nhiên, qua một bộ truyện tranh nữa. Lấy bối cảnh chính sau vòng chung kết World Cup trên đất Nga, một bộ truyện tiếp theo làm mưa làm gió thực sự tại Nhật Bản và cả thế giới lại xuất hiện, mang tên Blue Lock.
Bộ truyện được viết bởi tác giả Kaneshiro Muneyuki vẽ ra viễn cảnh về một dự án đặc biệt của bóng đá Nhật Bản, nơi 300 chân sút lứa U18 được tập trung để đào tạo chuyên sâu. Môi trường của họ được tạo mọi điều kiện hoàn hảo nhất để phát triển, nhưng cũng có tính đào thải cao nhất: mục tiêu là chỉ cần đào tạo nên một chân sút thượng thặng duy nhất, một chân sút có khả năng ghi bàn ở tất cả các bối cảnh cho đội tuyển Nhật Bản, để luôn có thể giành chiến thắng quyết định chứ không còn là những thất bại tủi hổ như trước tuyển Bỉ.
5 năm đã trôi qua kể từ khi Blue Lock xuất hiện. Bộ truyện giờ đây trở thành một hiện tượng văn hóa đại chúng, được Adidas lấy cảm hứng tạo nên áo đấu cho Samurai Xanh, và thực sự đã cổ vũ, đã hòa cùng với một làn sóng vươn lên tiếp theo của bóng đá Nhật Bản.
Sau thất bại của Akira Nishino, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản tiếp tục kiên nhẫn đặt niềm tin vào HLV bản địa, người được chọn là Hajime Moriyasu. Kể từ đó, người hâm mộ Xứ Phù tang phải trải qua không ít những phút giây đau đớn và ngờ vực.
Là khi Nhật Bản thua trắng Qatar 0-3 ở chung kết Asian Cup 2019. Là khi U23 không qua nổi vòng bảng U23 châu Á 2019. Là những kết quả không thuyết phục ở giai đoạn đầu vòng loại thứ 3 World Cup 2022, là những lựa chọn nhân sự cho đội tuyển bị hoài nghi. Không ít lần, Hajime Moriyasu bị phản đối, bị đòi sa thải, các cầu thủ của ông bị chỉ trích, bóng đá Nhật tưởng như đã đi sai hướng.
Nhưng người Nhật cho thấy, mọi thứ họ làm đều có mục đích. Một khi có mục tiêu – những mục tiêu vĩ đại, họ nhất định sẽ kiên trì đến khi đạt được. Hậu COVID-19, quả ngọt bắt đầu được gặt hái.
Olympic năm 2021 trên sân nhà, tuyển Olympic Nhật Bản nghiền nát Pháp 4-0, tiến một mạch đến bán kết, chỉ để thua Olympic Tây Ban Nha với tỷ số tối thiểu. World Cup 2022, cả thế giới đã phải sửng sốt khi chứng kiến Nhật Bản quật ngã 2 nhà cựu vô địch thế giới: Đức và Tây Ban Nha, trong một bảng đấu tưởng như là ‘’tử thần’’. Dừng bước trước Croatia ở vòng 16 đội một lần nữa là nỗi uất nghẹn, nhưng Samurai Xanh đã tiến gần đến mức chỉ còn cách tứ kết một loạt luân lưu mà thôi.
Và rồi ngày hôm qua (ngày 02/07/2023), U17 Nhật Bản – đúng lứa tuổi Blue Lock – đã xưng vương châu Á theo cách không thể thuyết phục hơn. 2 đối thủ sừng sỏ U17 Iran và U17 Hàn Quốc đều bị đánh bại 3 bàn không gỡ ở bán kết và chung kết. Nếu thật sự có một dự án Blue Lock, thì đây hẳn phải là một tín hiệu tích cực đầu tiên cho lứa nhân tài mới, một cánh én báo hiệu mùa xuân đang về.
Giống như hiệu ứng của Captain Tsubasa, sau Blue Lock lại là những thành tựu quật khởi của các cấp độ đội tuyển Nhật Bản. Tất nhiên, đừng nghĩ rằng chỉ những bộ truyện tranh có thể tạo được khác biệt lớn đến thế. Chúng chỉ là phần kem đẹp mắt và ngọt ngào, thêm vào trên chiếc bánh đã được nhào nặn cẩn thận, đầy tính toán trên mọi cấp độ, mọi tầng lớp, để tạo nên thành phẩm cuối cùng tuyệt hảo đến bất ngờ.
Nếu như gọi bóng đá Nhật Bản từ những năm 90 đến 2018 là ‘’thời kỳ Tsubasa’’, thì giai đoạn mới này hẳn có thể mang danh ‘’kỷ nguyên Blue Lock’’. Hãy theo dõi kỹ lần chuyển mình tiếp theo này của bóng đá Nhật Bản, bởi rất có thể, chức vô địch mới nhất của U17 Nhật Bản sẽ là khởi đầu cho nhiều điều to tát.
(Bạn đọc: Ngọc Bách)
Nguồn: Tin Thể Thao