Bóng đá nữ từng… bị cấm như thế nào?

30 năm sau khi huyền thoại Lily Parr qua đời, và nhân hàng loạt sự kiện bóng đá nữ chuẩn bị diễn ra trong một dịp cuối tuần, Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) chính thức nói lời xin lỗi vào năm 2008, về một lệnh kéo dài suốt nửa thế kỷ: khai tử bóng đá nữ!

Năm 1921, trong văn bản cấm mọi sân bóng thuộc sự quản lý của mình tổ chức bóng đá nữ, FA viết: “Trò chơi bóng đá hoàn toàn không thích hợp với nữ giới và không ai (thuộc FA) được khuyến khích phụ nữ chơi bóng”.

“Cấm chỉ vì ganh tị”

Vấn đề đặt ra: phụ nữ đã chơi bóng tại Anh từ cuối thế kỷ 19, và FA đã ra đời hàng chục năm trước đó, vậy tại sao không cấm ngay từ đầu? Hỏi cách khác: tại sao FA bỗng quan tâm (và cấm) bóng đá nữ vào năm 1921?

Nữ danh thủ người Brazil Marta (10) đã 6 lần nhận danh hiệu Cầu thủ nữ xuất sắc nhất thế giới, đồng thời đang giữ kỷ lục ghi nhiều bàn thắng nhất tại VCK World Cup nữ với 15 bàn

Theo không ít nhà nghiên cứu, và cả những người trong cuộc, chỉ có 2 nguyên nhân lớn: FA không kiếm được tiền, và… ganh tị! Cầu thủ Alice Barlow từng nói về lệnh cấm năm 1921 của FA: “Tôi cho rằng họ chỉ ganh tị. Chúng tôi nổi tiếng hơn (bóng đá nam). Tiền bán vé của chúng tôi nhiều hơn. Và chúng tôi dành hết tiền vé cho từ thiện”.

Cùng với Lily Parr (sau này là cầu thủ nữ đầu tiên được FA ghi tên vào “Nhà lưu niệm các huyền thoại bóng đá Anh”), Barlow khoác áo đội nữ Dick Kerr’s Ladies lừng danh trước năm 1921. Vào ngày 26.12.1920 (“Boxing Day”, luôn là một ngày vô cùng đặc biệt trong làng bóng Anh), Dick Kerr’s Ladies thu hút 53.000 khán giả đến sân trong trận đấu với St Helens tại Goodison Park. Hơn chục ngàn khán giả khác đành quay về vì sân hết chỗ. Sau đó, Dick Kerr’s Ladies lại thắng đội tuyển Pháp trên sân đối phương, rồi thắng một đội bóng nam (tỷ số 5-4) khi sang Mỹ đá giao hữu.

Khi đó trên quê hương bóng đá đã có khoảng 150 CLB nữ, trong đó Dick Kerr’s Ladies là CLB nổi tiếng nhất. Họ luôn chơi bóng vì niềm vui và dành trọn tiền bán vé (hàng chục ngàn bảng, tương đương với hàng chục triệu bảng ngày nay) tặng cho các quỹ từ thiện. Thế rồi, đúng lúc bóng đá nữ có vẻ như đã bùng nổ khắp trên quê hương bóng đá, thì FA ban hành lệnh cấm, vào đầu tháng 12.2021. Có vẻ như các nhà quản lý bóng đá Anh không thể chấp nhận sẽ bị phái nữ “hành hạ” lần nữa vào đúng dịp “Boxing Day”, như trước đó một năm bởi trận đấu nổi tiếng giữa Dick Kerr’s Ladies và St Helens.

Đội nữ Dick Kerr’s Ladies lừng danh trước năm 1921

Khoảng 30 năm sau khi xuất hiện, bóng đá nữ phát triển rất mạnh ở khắp nước Anh vào những năm giữa Đệ nhất thế chiến (1914-1918). Một mặt, giải VĐQG Anh và cúp FA đã bị hoãn vì cuộc chiến ấy. Mặt khác, đa số nam giới phải tham gia chiến tranh và phụ nữ bắt đầu gánh vác những công việc chân tay, nặng nhọc, trong các nhà máy. Nữ giới tại các nhà máy bắt đầu thành lập đội bóng để cùng nhau giải trí sau khi hết ca. Khi Đệ nhất thế chiến kết thúc thì bóng đá nữ đã phát triển mạnh mẽ trên khắp quê hương bóng đá, trong đó Dick Kerr’s Ladies là CLB nữ nổi tiếng nhất. Cầu thủ Lily Parr của đội này (qua đời năm 1978) nổi tiếng về cú sút “mạnh hơn nhiều cầu thủ nam” (thời ấy Lily Parr đá với các đối thủ nam là… chuyện bình thường).

Rồi cũng đến lúc hồi sinh

Anh không phải là nước duy nhất cấm bóng đá nữ sau Đệ nhất thế chiến. Đức cũng cấm bóng đá nữ trong giai đoạn 1955-1970. Brazil cấm phụ nữ chơi bóng trong giai đoạn 1941-1979. Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha… nói chung đều cấm bóng đá nữ trong khoảng nửa thế kỷ. Mãi đến thập niên 1970, bóng đá nữ mới bắt đầu hồi sinh. Khi Đan Mạch thắng Mexico trong trận chung kết của một giải đấu gọi là “World Cup nữ không chính thức” vào năm 1971 (giải đầu tiên kiểu này diễn ra năm 1970, do Ý tổ chức), LĐBĐ Đan Mạch vẫn chưa thừa nhận sự tồn tại của bóng đá nữ. Chủ tịch LĐBĐ Đan Mạch khi ấy là Vilhelm Skousen từng tuyên bố: ít nhất là đến khi ông qua đời, Đan Mạch sẽ chưa có bóng đá nữ! Chỉ đến khi UEFA can thiệp, LĐBĐ Đan Mạch mới rút lại phát biểu này.

Bức tượng đồng của Lily Parr – cầu thủ nữ đầu tiên được ghi tên vào nhà lưu danh các huyền thoại bóng đá Anh

Nhìn chung, bóng đá nữ chỉ bắt đầu xuất hiện trở lại một cách rộng rãi ở châu Âu sau năm 1971 (nhưng không phải tất cả. Liên Xô cấm bóng đá nữ từ năm 1971 đến năm 1990).

Điểm qua về lịch sử, trận đấu bóng đá nữ đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1895, tại London (Anh). Trận cầu quốc tế đầu tiên là đội tuyển Pháp thua CLB Dick Kerr’s Ladies (Anh) 0-2. Giải EURO nữ đầu tiên diễn ra vào năm 1984 (Thụy Điển vô địch). Giải lần thứ hai vào năm 1987 và được tổ chức 2 năm/lần cho đến năm 1997, rồi từ đó đến nay là 4 năm/lần. World Cup nữ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1991, đều đặn 4 năm/lần đến nay. Một bản báo cáo của FIFA vào năm 2018 cho biết: thế giới hiện có khoảng 29 triệu cầu thủ nữ chơi bóng một cách nghiêm túc (có đăng ký). Nếu không bị cấm khoảng 50 năm ở khắp các cường quốc bóng đá, tiếng vang mà nữ giới gây ra trong môn thể thao vua hẳn đã lớn hơn rất nhiều so với những gì đang được biết đến. (còn tiếp)

Nguồn: Báo Thanh Niên

Đánh giá bài viết