Logic của việc cầu thủ mua CLB bóng đá
Tỷ lệ để chúng ta thấy 2 cầu thủ chuyên nghiệp nổi tiếng, còn đang thi đấu trở thành những chủ sở hữu CLB chỉ trong 1 tuần là không cao. Nhưng điều đó đã vừa xảy ra: trong ít ngày, ngay sau khi Wilfried Zaha mua lại thành công đội bóng cũ Croydon Athletic, thì cựu cầu thủ Chelsea, N’Golo Kante cũng vừa hoàn tất thủ tục tiếp quản CLB hạng 3 của Bỉ, Royal Excelsior Virton.
Zaha và Kante đã trở thành những cái tên mới nhất gia nhập danh sách những cầu thủ và cựu cầu thủ mua lại thành công các CLB bóng đá. Những động cơ nào đã thúc đẩy họ làm điều này, và có những thuận lợi nào khi các danh thủ bóng đá mua lại các CLB? Chúng ta sẽ phân tích ngay sau đây.
Trước hết, cùng điểm lại danh sách những cầu thủ nổi bật đã trở thành chủ sở hữu các đội bóng.
Không ít trong số này lựa chọn xứ Cờ hoa là mảnh đất để đầu tư tài lực: Didier Drogba cùng một nhóm cá nhân nổi tiếng ở các lĩnh vực khác đồng sở hữu Phoenix Rising từ 2017. Paolo Maldini sở hữu 50% cổ phần của Miami FC; trong khi nhóm Eden Hazard, Demba Ba, Yohan Cabaye và Moussa Sow thành lập đội bóng San Diego 1904.
Phoenix Rising, Miami FC và San Diego 1904 đều là những đội bóng thi đấu tại các hạng đấu thuộc cấp độ thấp hơn tại Mỹ. Còn tại đỉnh cao MLS, chỉ có David Beckham đang nắm giữ quyền sở hữu Inter Miami.
Ở lục địa già, “liên minh cựu Quỷ đỏ” gồm Ryan Giggs, Paul Scholes, Gary và Phil Neville, Nicky Butt sở hữu một nửa cổ phần của Salford City, đội bóng đang hiện diện tại EFL League Two (giải hạng Tư của Anh). Tại Tây Ban Nha, Ronaldo “Người ngoài hành tinh” hiện là chủ tịch Real Valladolid với 51% cổ phần đã mua lại từ 2018.
Nhìn vào danh sách những nhà đầu tư này, không khó để nhận ra hầu hết trong số họ quyết định kinh doanh bóng đá ở buổi xế chiều của sự nghiệp hoặc khi đã giải nghệ. Nhưng Kante, Zaha đã chủ động gia nhập thị trường này ngay khi còn khá nhiều năm đỉnh cao phía trước, đủ khiến chúng ta ngưỡng mộ tầm nhìn, bộ óc đầu tư của họ.
Người hâm mộ đã từng trầm trồ thán phục đức tính tiết kiệm của N’Golo Kante, khi chàng trai chơi bóng tại Ligue 2 năm nào đi… xe đạp đến sân tập. Giờ đây, khi đã đặt chân đến Arab Saudi với nguồn tiền khổng lồ được rót vào tài khoản, Kante thể hiện một bộ mặt đáng khen khác trong tài năng quản lý tài sản của bản thân: đầu tư thay vì tiết kiệm.
Trường hợp của Zaha, điểm nhấn lại nằm ở khả năng nắm bắt thời cơ nhạy bén. Khi đội bóng thuở thiếu niên sẵn sàng đổi chủ, anh đã tìm ngay được đối tác phù hợp là rapper Stormzy, và tạo nên một thương vụ được tô vẽ đậm màu nhân văn khi nhóm chủ sở hữu muốn ‘’về nguồn’’ và bảo vệ những giá trị truyền thống.
Câu chuyện của Wilfried Zaha cũng là một lý giải hợp tình cho xu hướng mua lại các CLB bóng đá của những ngôi sao. Họ đang tạo nên những hiệu ứng truyền thông tốt, ít nhất cũng là một lượng lớn tin bài trong vài ngày. Lâu dài hơn là những đánh giá tốt đẹp trong cộng đồng, như cái cách người hâm mộ Croydon Athletic bày tỏ sự biết ơn và háo hức khi đón nhận Zaha trở lại trong một cương vị mới.
Nhưng quan trọng hơn, đã đầu tư là phải sinh lời. Những ngôi sao bóng đá bỏ tiền ra mua lại cả một CLB cũng phải nghĩ đến lợi nhuận trước hết.
Nhà đầu tư lừng danh người Mỹ, Warren Buffet từng chia sẻ quan điểm đầu tư của bản thân: Ông sẽ không đầu tư cho những lĩnh vực mà bản thân không có hiểu biết, bởi như thế chẳng khác nào đánh bạc. Theo một tư duy ngược lại, đầu tư vào thứ mà bạn hiểu nhất hứa hẹn xác suất thành công cao.
Zaha, Kante, và những cầu thủ bóng đá rõ ràng đã làm theo điều này. Bao năm kinh qua các đội bóng lớn nhỏ, hiểu tường tận những ngóc ngách trong công việc vận hành một đội bóng chuyên nghiệp, họ có cơ sở để tự tin vào khả năng bản thân sẽ thành công, trong một ngành công nghiệp vẫn đang có triển vọng sinh lời tốt.
Đó cũng là một phần lý do khiến không chỉ các cầu thủ bóng đá, mà nhiều ngôi sao ở các bộ môn thể thao khác – đặc biệt là tại Mỹ – cũng sở hữu cho mình những cổ phần của các CLB. Ví dụ như ở môn bóng rổ, ngôi sao của giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) LeBron James nổi bật với cổ phần tại Liverpool. Một cái tên đình đám khác của NBA là Kevin Durant đang đứng trong nhóm đồng sở hữu CLB của MLS, Philadelphia Union. Ngoài ra, không thể nêu hết những ngôi sao của các môn bóng đá Mỹ, bóng chày, điền kinh,… đã làm điều tương tự.
Tổng kết lại, từ rất nhiều ví dụ thực tiễn, chúng ta có thể hiểu được logic của những thương vụ như Zaha mua Croydon Athletic hay Kante tiếp quản Royal Excelsior Virton. Môt sự trả ơn cho môn thể thao vua, cho cộng đồng hâm mộ hoặc địa phương đã mang lại cho họ tất cả, đi kèm với mức độ an toàn nhất định nhờ hiểu biết của nhà đầu tư và kỳ vọng sinh lời hấp dẫn. Với những động cơ vừa hợp tình vừa hợp lý như thế, trong tương lai gần, sẽ không quá ngạc nhiên nếu nhiều tên tuổi tiếp bước Kante và Zaha.
(Bạn đọc: Ngọc Bách)
Nguồn: Tin Thể Thao