Muốn bóng đá thăng hoa, xin đừng biến sân đấu thành chiến hào

Đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng tối thiểu trước một Syria được dẫn dắt bởi Hector Cuper, HLV từng đưa Valencia về nhì ở Champions League, nhưng như thế vẫn là chưa đủ với NHM nước nhà. Có lẽ, đây là lúc chúng ta cần đặt câu hỏi: liệu NHM có đang quá khắt khe với các “Chiến binh Sao Vàng”.

Những ly “rượu phạt” đong đầy “độc tố”

“I want you (She”s so heavy)“- Tôi muốn có em (Nàng nặng quá chừng – ND), là một bài hát bất hủ của The Beatles, một bài hát từng được trang tin Guitar World xếp thứ 34 trong danh sách”những bài hát “nặng” nhất thời kỳ tiền Black Sabbath”. Một bài hát mà theo John Lennon, được dùng để thể hiện tình yêu cho nhân tình của nhạc sĩ người Anh khi đó, Yoko Ono, một nghệ sĩ thể nghiệm người Nhật.

Là một bài hát “nặng”, nhưng “I want you (She”s so heavy)“không nặng ở phần lời nhạc, mà chỉ nặng ở kỹ thuật chơi nhạc của các thành viên ban nhạc. Ở đoạn mở đầu, nó chỉ đơn giản là một bài rock and roll đơn giản nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ với chỉ một câu lặp đi lặp lại:”I want you, i want you so bad, babes !“, tạm dịch:”Anh muốn em, anh muốn em rất nhiều, em yêu ạ!“Nhưng ở đoạn sau, The Beatles lại khiến cho giới nghe nhạc thời đó cảm thấy”sốc“vì những cú riff nhạc đầy nặng nề, đứt quãng cùng cái lời hát đầy ai oán:”She“s so heavy !” Tạm dịch: “Nàng nặng quá chừng”. Có thể nói, phần sau của bài nhạc chính là “thủy tổ” của dòng nhạc Doom Metal, một dòng nhạc “nặng” của thập niên 80-90 của thế kỷ 20.

Ban đầu, I want you (She”s So Heavy) chỉ là cách để John Lennon thể hiện tình cảm với tình nhân mới của mình, Yoko Ono. Nguồn: Internet.

Tua nhanh đến năm 2007, tức 38 năm sau khi “I want you (She”s so heavy)“ra đời, bộ phim”Across The Universe“, một bộ phim lấy chất liệu chính là các bài nhạc của The Beatles, lại quyết định bẻ ngoặt ý nghĩa của”I want you (She“s so heavy)” theo một hướng rất khác, một góc nhìn như cô đọng hết tất cả những uẩn ức của thanh niên Mỹ giai đoạn đó.

Thay vì sử dụng “I want you (She”s so heavy)“như một cách thể hiện tình yêu đôi lứa như ý tưởng ban đầu của John Lennon, các nhà làm phim của Across The Universe lại biến nó thành một ẩn dụ cho việc”mộ quân“của chính quyền Mỹ thời điểm đó.”I want you“lúc này mang ý nghĩa”Ta muốn chiếm lấy ngươi“, chiếm lấy cái thể xác của những thanh niên khỏe mạnh nhất nước Mỹ cho cái”guồng quay chiến tranh” của giới chính trị gia Mỹ khi đó.

Nhưng cái khiến phân cảnh này trở thành một phân cảnh đáng nhớ trong bộ phim đó là cái cách các nhà làm phim lồng ghép một sự tương phản: mở đầu là cảnh ân ái của hai nhận vật Jude Feeney và Lucy Carrigan, để rồi kết thúc bằng cảnh chiến tranh chết chóc trong hình dung của nhân vật Maxwell Carrigan, người anh của Lucy. Nó như một sự tương phản giữa một bên là sự sinh sôi, nảy nở, tình yêu và cuộc sống, triết lý sống của phong trào “hippie” trên đất Mỹ thuở đó, còn một bên là chiến tranh, sự chết chóc, hủy diệt tới từ cuộc chiến tranh phi nghĩa của Đế quốc Mỹ trên đất Việt Nam.

Một lối tiếp cận mới mẻ đã thay đổi hoàn toàn ý nghĩa ban đầu của “I want you (She”s so heavy)”. Nguồn: Sites at Penn State.

Sẽ là khập khiễng khi so sánh những gì HLV của đội tuyển Việt Nam, ông Philippe Troussier, cùng các học trò đang trải qua với những gì diễn ra trong phân cảnh đó của bộ phim “Across The Universe”. Nhưng khi xét một cách kỹ lưỡng dưới lăng kính của cả nghệ thuật và bóng đá, chúng ta vẫn có thể thấy đôi chút tương đồng giữa cả hai hình ảnh này.

Những ngày đầu của HLV Phillippe Troussier trên đất Việt Nam cũng khá giống với hình ảnh “ân ái” của cặp đôi Lucy và Jude, nó nhẹ nhàng, vui vẻ, không khiên cưỡng và cực kỳ êm đềm. Báo chí ở thời điểm đó chỉ điểm sơ qua về ông thầy người Pháp, chưa đặt ra quá nhiều kỳ vọng vào ông, thậm chí còn cho rằng ông sẽ là người kế tục hoàn hảo cho HLV Park Hang Seo, nhất là khi xét đến việc “phù thủy trắng” đã từng dẫn dắt lứa U19 của Việt Nam cũng như lò đào tạo PVF trước đây. Nói cách khác, HLV người Pháp đã có những nền tảng đầu tiên cho công cuộc dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Và cũng giống như những gì đoàn làm phim “Across The Universe” đã làm với bài hát của The Beatles, HLV người Pháp cũng đem đến một làn gió mới, một lối tiếp cận mới về mặt chiến thuật cho bóng đá Việt Nam ở mọi cấp độ.

Thế nhưng, chỉ sau một vài trận đấu thất bại, đỉnh điểm là ở kỳ SEA Games trên đất Campuchia hồi tháng 5 năm nay, những lời “yêu thương” ban đầu mà NHM bóng đá Việt Nam dành cho ông Troussier cũng như các học trò của ông ngay lập tức biến mất, thay vào đó là những nghi kỵ, những soi xét có phần cực đoan nhằm vào lứa cầu thủ hiện tại của đội tuyển Việt Nam. Người ta bắt đầu cho rằng “phù thủy trắng” của ĐT Việt Nam chỉ là cái danh “hão”, thậm chí cho rằng lối chơi thiên về kiểm soát bóng của ông có phần hơi xa vời với thể lực và tố chất của lứa cầu thủ Việt Nam hiện tại. Kể cả khi các “Chiến binh Sao Vàng” giành chiến thắng trước hai đối thủ Hồng Kông (Trung Quốc) và Syria, những soi xét, nghi kỵ đầy tính hà khắc nhằm vào HLV người Pháp cùng các học trò vẫn chưa chấm dứt.

Trong bóng đá, thắng sẽ được khen, thua sẽ chịu uống “rượu phạt”, nhưng có cảm giác những chén “rượu phạt” mà CĐV Việt Nam cũng như truyền thông thể thao nước nhà dâng cho các học trò của HLV người Pháp đang đong đầy những “độc tố” không đáng có với các lứa cầu thủ hiện tại, một lứa cầu thủ vẫn còn rất mới, một lứa cầu thủ mới chỉ bước vào độ tuổi 20 và chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu ở đấu trường quốc tế, những “độc tố” có thể giết chết những khát khao cống hiến nếu như cứ liên tục bị bơm vào tâm trí của các em.

Sau tuần trăng mật ngọt ngào là những chén “rượu phạt” đong đầy độc tố được dành cho HLV Philippe Troussier cùng các học trò. Nguồn: Báo Thanh Niên.

Khi tình yêu có sức nặng “ngàn cân”

Các chàng trai ra trận với bức tượng Nữ thần Tự do trên vai cùng câu cảm thán: “She”s So Heavy“có lẽ là dấu chấm hết gây nhức nhối nhất với phân cảnh của”I Want You“trong bộ phim”Across The Universe“.”She“s So Heavy” giờ đây đâu còn mang ý nghĩa của tình yêu đôi lứa, giờ đây, nó trở thành gánh nặng, là trách nhiệm của những thanh niên “tòng quân ra trận” ở cuộc chiến tranh phi nghĩa của Đế quốc Mỹ trên đất Việt Nam thời điểm đó. “She” ở đây giờ mang ý nghĩa… Nữ thần Tự do, đại diện cho nước Mỹ trong con mắt của người dân thế giới cũng như người dân Mỹ.

Các cầu thủ của Việt Nam thời điểm hiện tại cũng giống như vậy. Họ đang phải gánh vác trên vai rất nhiều những kỳ vọng của NHM Việt Nam, nhất là những kỳ vọng về việc phải “vượt qua Thái Lan”, đối thủ truyền kiếp của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á.

Chẳng hiểu tự bao giờ, người hâm mộ bóng đá Việt Nam chúng ta có một ám ảnh tột độ với người Thái. Cứ mỗi lần chúng ta để thua người Thái, lập tức những sự bi quan, những soi mói, so sánh với người Thái bắt đầu nhen nhóm ở các trang mạng xã hội cũng như mặt báo bất chấp việc chúng ta, chứ không phải người Thái, mới là đội tiến sâu ở các giải đấu cấp độ châu lục gần đây như ASIAD 2018, nơi chúng ta kết thúc ở vị trí Top 4 đội mạnh nhất môn bóng đá nam, hay Asian Cup 2019, nơi chúng ta kết thúc ở tứ kết và chỉ chịu thua ĐT Nhật, á quân của kỳ Asian Cup năm đó, với cách biệt một bàn. Nhưng đáng nhớ nhất vẫn là chiến tích lọt vào tới vòng loại thứ 3 của World Cup 2022, thành tích tốt nhất của bóng đá Việt Nam từ trước tới giờ.

Bất chấp những tiến bộ về mặt thành tích trong thời gian gần đây, nền bóng đá cũng như NHM Việt Nam vẫn mang một ám ảnh tâm lý với người Thái. Nguồn: Vietnam Insider.

Trong số các dân tộc có truyền thống yêu bóng đá lâu đời trên thế giới, có thể so sánh cách yêu bóng đá của người Việt Nam với người Anh, nơi khai sinh ra bóng đá. Nền bóng đá của “xứ sở Sương mù” cũng đặt ra khá nhiều kỳ vọng cho các lứa cầu thủ trong quá khứ cũng như hiện tại của mình, thậm chí thể hiện rõ sự kiêu ngạo của mình qua việc lặp đi lặp lại bài hát “It”s Coming Home“mỗi khi đội tuyển Anh thi đấu ở một đấu trường mang tính châu lục hay thế giới. Và cũng giống như NHM và truyền thông bóng đá Việt Nam, NHM và truyền thông Anh cũng có một”kẻ thù không đội trời chung”, đó là nền bóng đá Đức, một quốc gia có nhiều nét tương đồng về mặt ngôn ngữ và văn hóa với người Anh.

Người đầu tiên chỉ ra cái sự thù địch “ngờ nghệch, ngớ ngẩn” nhưng cũng khá dễ thương này của cánh báo chí và NHM Anh đó là Barney Ronay. Cụ thể, trong một bài viết cho trận đấu giữa Đức và Anh ở kỳ Euro 2020 diễn ra cách đây 3 năm, nhà báo người Anh đã viết thế này về tinh thần dân tộc trong bóng đá của người Anh, đặc biệt là trước người Đức: “Những khẩu hiệu đó không gắn liền tới thể thao, mà gắn liền với quá khứ sặc mùi thuốc súng. Nó bắt đầu từ kỳ World Cup 1966 trên chính đất Anh. Ở thời điểm đó, nhà báo Hugh McIlvanney đã mô tả trong tờ Observer về việc các đồng nghiệp tới từ Đức:”Cảm thấy kinh ngạc và ghê sợ trước cái tinh thần dân tộc đậm chất quân phiệt của người Anh trong bóng đá“. Tờ Bild thậm chí đi xa hơn khi mô tả các nhà báo của Anh như những”nhà báo chiến trận đang thực hiện nhiệm vụ ở các chiến hào vậy”.

Đồng ý là trong bóng đá, hay trong bất cứ môn thể thao nào, tính cạnh tranh, thắng thua, là một điều cần phải có, nhưng việc đặt quá nặng sự ganh đua, tinh thần dân tộc hay những khẩu hiệu “sặc mùi chiến trận”, hay những kỳ vọng quá đà vào các cầu thủ, đặc biệt là các cầu thủ trẻ như lứa cầu thủ đang được dẫn dắt bởi HLV Philippe Troussier, trông chẳng khác gì việc chúng ta đặt một bức tượng Nữ thần Tự do lên vai các em vậy. Nói cách khác, chính tình yêu của chúng ta đang khiến đôi chân của các em trở nên nặng nề qua từng đường bóng. Vậy nên, hãy cổ vũ và khích lệ các em mỗi khi các em giành chiến thắng và an ủi, động viên các em mỗi khi thua. Khi đó, các em sẽ có thêm động lực để đem về những chiến quả trong tương lai dưới sự dẫn dắt của “Phù thủy trắng” Philippe Troussier.

KDNX

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá bài viết