Vĩnh biệt Berlusconi, người có tầm nhìn vượt thời đại | Bóng Đá
Không nhiều người biết việc trước khi Champions League ra đời vào mùa giải 1992/93, chính Silvio Berlusconi là người yêu cầu phải lập một siêu giải đấu cho những CLB mạnh nhất châu Âu từ tận năm 1987. Alex Fynn, một trong những thành viên sáng lập ra Premier League và có vai trò tối quan trọng ở Champions League không bao giờ quên câu chuyện này.
Tầm nhìn siêu hạng của Berlusconi
“Tôi đang ngồi thì nhận được cuộc gọi: Này có công việc cho cậu đây: Thiết kế một siêu giải đấu (European Super League) cho Berlusconi. Tôi lập tức nghĩ ra một ý tưởng có thể chiều lòng Silvio, nhưng không hẳn là điều bóng đá cần: Giải đấu có 18 đội, lựa chọn theo công thức tính điểm bên cạnh lịch sử và lượng CĐV. 3 CLB từ Anh, Italy, Đức, Tây Ban Nha, 2 từ Pháp, Hà Lan và một từ Bồ Đào Nha, Scotland”, Fynn kể lại với Athletic.
Berlusconi muốn một giải đấu mới sau khi chứng kiến đội ĐKVĐ Serie A Napoli bị ĐKVĐ La Liga, Real Madrid, loại ngay vòng 1 cúp C1 châu Âu mùa giải 1986/87. Việc chứng kiến những CLB mạnh chỉ đá một trận và phải rời luôn cúp châu Âu là thảm họa theo ý kiến của Berlusconi.
Ông trùm này muốn các CLB lớn chơi nhiều trận nhất có thể, từ đó bán được vé, bản quyền truyền hình, thu bộn tiền từ truyền hình trả phí… 5 năm trước khi Champions League ra đời, Berlusconi đã nhìn ra những thay đổi để bóng đá châu Âu tiến lên với nền tảng là tiền bạc.
Giải đấu như ý kiến của Berlusconi không được thực hiện. Champions League vận hành theo cơ chế khác nhưng không khó để thấy ý tưởng của Berlusconi từ năm 1987 chính là bản gốc của Super League, giải đấu vừa chết yểu khi bị UEFA cũng như FIFA quyết vùi dập.
Từ cuối thập niên 80, Berlusconi đã sớm nhìn ra con đường để bóng đá tự nuôi sống chính mình. Đó phải là là những trận long tranh hổ đấu giữa những CLB hàng đầu và những hợp đồng tiền tỷ để chiếu phát phục vụ khán giả. Bất chấp việc sở hữu tầm nhìn như thế, Berlusconi không thể thắng nổi UEFA (cũng giống như Super League ngày nay) trong việc tạo ra một giải đấu thu lợi nhiều nhất cho những CLB lắm tiền nhiều của.
Song đấy không phải vấn đề với Berlusconi. Ông có cách riêng để tạo ra một Super League của riêng mình trong thập niên 80 và 90.
Bước một: Đưa Milan thành siêu CLB. Năm 1987 là thời điểm đánh đấu mùa giải Milan của Berlusconi bước lên hàng ngũ siêu CLB khi đưa Arrigo Sacchi về làm HLV, mang Ruud Gullit và Van Basten tới San Siro. Cùng đội ngũ người Italy như Franco Baresi, Virdis, Donadoni, Milan qua mặt Napoli của Maradona để giành Scudetto.
Chức vô địch này là bàn đạp để Milan của Berlusconi tiếp tục đổ tiền ra thị trường chuyển nhượng. Sau một mùa, Frank Rijkaard tới Milan để hoàn tất bộ ba Hà Lan bay. Lần này, Milan không chỉ thống trị Italy. Rossoneri còn chinh phục châu Âu khi nghiền nát Real Madrid 6-1 ở bán kết cúp C1 châu Âu 1989. Ở trận chung kết với nhà vô địch châu Âu năm 1986, Steaua Bucharest, đội bóng Italy đè bẹp đối thủ 4-0 để trở lại ngôi vua lục địa già sau tròn 30 năm.
Milan thậm chí còn bảo vệ thành công chức vô địch cúp C1 châu Âu ở mùa kế tiếp. Trong giai đoạn 1987-1989, cả ba Quả bóng Vàng đều thuộc về Milan. Thậm chí trong hai năm 1988 và 1989, cả ba vị trí dẫn đầu của cuộc đua QBV đều là người của Rossoneri.
Bước hai để Berlusconi tạo ra Super League là việc biến Serie A thành giải đấu hấp dẫn nhất thế giới. Công bằng thì giải đấu số một xứ sở mỳ ống có đủ nền tảng để làm điều này, nhưng Berlusconi đã dấn sâu hơn khi đưa quyền lực của chính mình vào để đẩy Serie A lên tầm cao vượt xa phần còn lại về ảnh hưởng.
Khi ấy, Serie A là giải đấu đi đầu châu Âu trong việc thương mại hóa bản quyền truyền hình. Ba đài truyền hình tại Italy (Stream TV, Tele+ và Mediaset) cạnh tranh nhau quyết liệt để giành quyền phát sóng. Trong số này, Mediaset chính là của Berlusconi. Chính điều này đẩy giá bản quyền phát sóng trong biên giới Italy tăng phi mã, trực tiếp mang tiền về cho những CLB tham dự.
Các đài truyền hình tới từ các nước Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và châu Á cũng sẵn sàng chi đậm để mang giải đấu này về phục vụ khán giả nội địa. Các CLB Italy giàu càng thêm giàu khi nhận tiếp tiền bán bản quyền quốc tế.
Đứng ở năm 2023, việc đẩy giá mua từ đó mang thêm tiền về cho các CLB có vẻ khá xoàng. Nhưng vào những năm 90, đấy là chiến lược khôn ngoan để bồi thêm vàng vào cỗ xe đua Serie A vốn đã cực nhanh. Premier League trong những năm đầu đã học hỏi chính Serie A với chiêu bản quyền truyền hình này để bứt lên.
Berlusconi sau cùng thành công mỹ mãn. Serie A trở thành World Cup thu nhỏ trong thập niên 90 với các ngôi sao nhiều như nấm sau mưa. 9 trong số 18 CLB của Serie A trong giai đoạn này đã dự chung kết các cúp châu Âu.
Tầm ảnh hưởng tại Champions League là vô địch: 6 trận chung kết Champions League đầu tiên đều có mặt các đại diện từ xứ sở mỳ ống. Một nửa trong số này đến từ Milan của Berlusconi. Vô địch Serie A khi ấy khó gấp bội so với Champions League.
Di sản của Berlusconi
Trong 30 năm làm chủ tịch Milan, Berlusconi đã giúp Rossoneri giành 29 danh hiệu, trong đó có 5 cúp C1/Champions League, 8 Scudetto, 3 cúp Liên lục địa… Chỉ Florentino Perez sánh được với Berlusconi về thành tích, phần còn lại chỉ có thể ngước nhìn ông trùm người Italy.
Nhưng di sản Berlusconi không chỉ được đong đếm bởi những chiếc cúp. Đó còn là khát khao tạo ra khác biệt vượt thời đại. Berlusconi đã không thể thắng UEFA để tạo ra Super League từ cuối thập niên 80, nhưng ông trùm người Italy đã thành công trong việc thay đổi tư duy của bóng đá Italy thông qua Milan.
Việc tin tưởng Arrigo Sacchi, HLV chưa từng là cầu thủ trước kia, buộc Milan phải đá tấn công từ những ngày đầu tiên, và chi hàng trăm triệu euro cho những siêu sao tấn công (Van Basten, Gullit, Papin, Lentini, Weah, Shevchenko, Kaka, Rui Costa, Inzaghi…) là nền móng để Milan buộc cả Italy tin rằng bóng đá có thể chiến thắng bằng tấn công thay vì chỉ phòng ngự.
Năm ngoái, Sacchi từng kể lại chuyện về Diego Simeone trên Gazzetta dello Sport, từ đó liên hệ chút về bóng đá Italy và chính Milan trong giai đoạn đỉnh cao: “Diego Simeone giành nhiều thành công trong nhiều năm qua nhờ ảnh hưởng của bóng đá Italy. Để tôi nói sự thật nhé: Đá bóng kiểu đấy khiến CĐV mệt. Họ muốn bóng đá đẹp, giàu cảm xúc. Atletico còn chẳng có bóng.
Anh biết Gullit từng bảo tôi điều gì không? Thưa thầy, sao chúng ta không nhồi bóng vào vùng cấm. Có tôi với Van Basten đánh đầu rất hay, có thể chúng ta sẽ có bàn. Tôi bảo không. Vì nếu bằng cách nào đó có bàn, chúng ta sẽ bắt đầu đá bóng như vậy. Và tôi không muốn như thế. Bóng đá với tôi phải là tổ chức tốt, pressing, kiểm soát bóng, dồn ép đối phương về phần sân nhà”.
Những gì Sacchi nói với Gullit từ cuối những năm 80 chính là thứ bóng đá cả thế giới đang chơi lúc này. Tất cả xuất phát từ tham vọng và tầm nhìn của ông trùm người Italy.
Đó, mới là di sản lớn nhất của Berlusconi.
Vĩnh biệt, Silvio.
Nguồn: Bóng đá