Để kinh tế thể thao phát triển (Bài 2): Đâu là điểm nghẽn?
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt, kinh tế thể thao Việt Nam còn nhiều rào cản Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Nhưng thực tế kinh tế thể thao của Việt Nam còn chưa phát triển như mong đợi, chưa thể bứt phá để trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.
Nhiều rào cản
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt, trên thế giới, kinh tế thể thao ở nhiều quốc gia đã thực sự là một cỗ máy đồ sộ, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận, thu nhập, đóng góp khoản thuế đáng kể cho ngân sách quốc gia. Vấn đềtoàn cầu hóa của ngành công nghiệp thểthao cũng phát triển nhanh chóng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, nổi bật ở 5 lĩnh vực gồm: Thể thao chuyên nghiệp – nhà nghề; Thể thao giải trí; Du lịch thể thao; Tổ chức sự kiện thể thao; Truyền thông thể thao. Trong những năm qua, thể dục thể thao Việt Nam đang từng bước chuyển đổi phương thức vận hành để phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao, các hoạt động kinh tế thể thao ở nước ta đã và đang phát triển sôi động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo nguồn lực cho phát triển sự nghiệp thể dục thể thao.
“Tuy nhiên để kinh tế thể thao Việt Nam bứt phá, chúng ta còn gặp nhiều rào cản, mà nút thắt lớn nhất chính là các cơ chế chính sách liên quan đến cơ sở vật chất. Đối với các nước phát triển khi quy hoạch về khu dân cư bao giờ cũng có quỹ đất dành cho thể thao, để sử dụng cho các hoạt động kinh doanh về thể thao, có chỗ để người dân rèn luyện thể thao. Hiện chúng ta có thể thấy rất rõ bóng đá là môn thể thao số 1, nhưng sân Hàng Đẫy có tới 3 CLB chuyên nghiệp chọn làm sân nhà tập luyện và thi đấu. Các cơ sở vật chất chủ yếu là của nhà nước và do nhà nước quản lý. Chúng ta đang có xu thế đầu tư công, quản trị tư nhưng để triển khai thì rất khó khăn. Các CLB chuyên nghiệp nếu không có sân, không có cơ sở vật chất sẽ không bao giờ phát triển được vấn đề kinh doanh thể thao, bởi vì nguồn thu từ sân là rất lớn. Hiện tại chúng ta chưa có chính sách giao sân cho các CLB để các CLB chủ động trong việc kinh doanh, tạo thêm nguồn thu. Trong khi ở nhiều nước, đã có chính sách giao sân cho các doanh nghiệp hoặc nhà nước có thể cho thuê từ 50-100 năm để các doanh nghiệp chủ động khai thác sân. Có thể thấy các vấn đề về phát triển cơ sở vật chất cho thể thao hiện đang rất vướng, đây là nút thắt lớn nhất”, ông Đặng Hà Việt phân tích.
Đưa ra ví dụ sinh động về nút thắt đang khiến cho kinh tế thể thao ở Trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TP.HCM chưa thể phát triển như mong đợi, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân cho rằng, vướng mắc chung của cả nước trong việc phát triển kinh tế thể thao cũng chính là bài toán đau đầu với thể thao thành phố mang tên Bác. Kinh tế thể thao TP.HCM đang cần sự “cởi trói” về cơ chế chính sách để phát triển. Đó là những chính sách ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thể thao để tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động thể thao phát triển, từ đó có thêm nguồn thu. “Thành phố cũng cần có chính sách thuế linh hoạt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó mới kích thích kinh tế thể thao phát triển”, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM nói.
Ông Nguyễn Nam Nhân – Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho rằng cần giải pháp tổng thể để kinh tế thể thao phát triển
Chưa thể triển khai đặt cược bóng đá
Năm 2006 đề án đặt cược bóng đá đã được Uỷ ban TDTT xây dựng để trình Chính phủ. Nếu đề án được triển khai sẽ tránh cho chúng ta mất đi một nguồn ngoại tệ lớn chảy ra nước ngoài và lợi nhuận thu được còn quay trở lại đầu tư cho các hoạt động thể thao. Đến giờ đã 17 năm trôi qua nhưng đề án đặt cược bóng đá vẫn chưa thể tiến hành. Năm 2017, chúng ta đã có Nghị định kinh doanh về đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế (Nghị định 06), nhưng đến giờ vẫn chưa thể triển khai được việc đặt cược bóng đá quốc tế. Về đặt cược bóng đá quốc tế, Chính phủ quy định phải đấu thầu, lựa chọn một doanh nghiệp đứng ra thực hiện kinh doanh đặt cược bóng đá. Nhưng việc này lại vướng Luật Đấu thầu, bởi trong luật không có hình thức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp mà chỉ có đấu thầu dự án hoặc gói thầu của dự án. Nên ngay từ khi ra đời Nghị định này đã vướng Luật đấu thầu và nhiều vấn đề liên quan khác nên không thể thực hiện được. Với thị trường xổ số thể thao, ước tính dao động từ 100.000 – 200.000 tỉ/năm tại Việt Nam, nhưng cũng chưa thể tiến hành được nên chúng ta đang thất thoát số tiền đó qua các trang web cá cược thế giới. Trước thực tế này, ông Đặng Hà Việt hy vọng sắp tới những vướng mắc liên quan đến Nghị định 06 sẽ được sửa đổi, bổ sung để có thể tiến hành đặt cược bóng đá quốc tế. Và nếu Nghị định này được triển khai không những sẽ tránh được việc “chảy máu” ngoại tệ mà còn giúp cho thể thao có thêm nguồn lực để đầu tư, kích thích sự phát triển của kinh tế thể thao.
V.League là giải đấu có khả năng “kiếm tiền”, nhưng các CLB vẫn chưa thể tự nuôi sống mình Ảnh: VPF
Theo ông Nguyễn Nam Nhân, bên cạnh những “nút thắt” kể trên, Việt Nam hiện tại đang đối mặt với nhiều vướng mắc trong việc phát triển kinh tế thể thao. Thứ nhất, đó là việc nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thể thao, trong khi kinh tế thể thao đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, tạo ra sản phẩm thể thao chất lượng cao. Thứ hai, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược tổng thể phát triển thể thao toàn diện và bền vững cả về chuyên môn lẫn kinh tế thể thao. Nhiều chính sách và quy định còn chưa được hoàn thiện, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhóm tập hợp hoặc các cá nhân muốn đầu tư và phát triển kinh tế thể thao. Thứ ba, là thiếu cơ sở hạ tầng. Các cơ sở hạ tầng thể thao như sân bóng, sân cầu lông, sân tennis, bể bơi, các trung tâm huấn luyện, cơ sở đào tạo thể thao chuyên nghiệp vẫn còn rất hạn chế và chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu. Thứ tư, công tác đào tạo, bồi dưỡng bên cạnh mặt tích cực còn những hạn chế nên các tài năng thể thao, các HLV, chuyên gia thể thao giỏi còn chưa hùng hậu. Thứ năm, dù chúng ta có nhiều fan thể thao, nhưng nhiều người dân chưa coi thể thao là một nhu cầu thiết yếu nên các hoạt động thể thao chưa tạo được sức hút với các nhà tài trợ.
“Để tháo gỡ các vướng mắc kể trên, chúng ta cần một chiến lược và sự đầu tư tổng thể, cần phải bóc tách và xác định những vấn đề trọng tâm nào cần phải giải quyết ngay để tạo tiền đề và là “mồi” kéo cho các hoạt động của kinh tế thể thao phát triển. Ví như đã có Nghị định cá cược thì phải tập trung giải quyết để cá cược được hoạt động, tạo dòng tiền từ nguồn này. Hay như có chính sách đầu tư công PPP trong lĩnh vực thể thao sẽ giải quyết một phần việc xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở vật chất thể thao…”, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM nhấn mạnh.
Nút thắt lớn nhất khiến kinh tế thể thao Việt Nam chưa thể bứt phá là do hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế, chế độ, chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, nhiều quy định không còn phù hợp, chậm được bổ sung, sửa đổi, chưa tạo được hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai chủ trương xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực thể thao. Các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của xã hội cho phát triển khu vực ngoài công lập, chưa đủ mạnh để có thể huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển dịch vụ công. Một số hoạt động kinh doanh thể thao hấp dẫn, có khả năng mang lại hiệu quả kinh doanh cao (theo thực tế ở nhiều nước) còn chưa có hành lang pháp lý cho phát triển hoặc đã có nhưng khó thực hiện.
(Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương)
THU SÂM
(Còn nữa)
Nguồn: Báo văn hóa Online