Để kinh tế thể thao Việt Nam phát triển (Bài 1): Trông sang các nước…

Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ là một trong những giải đấu “hái” ra tiền

Hoạt động TDTT không chỉ đơn thuần đem lại sức khỏe cho người tham gia tập luyện và mang lại những ý nghĩa xã hội khác mà còn tạo ra các giá trị kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP.

Nhìn từ những nền thể thao lớn trên thế giới

Theo các nhà nghiên cứu, kinh tế thể thao là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân, cung cấp hàng hóa, dịch vụ thể thao cho nhu cầu xã hội. Đây cũng là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, mang lại giá trị kinh tế ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức… Các loại hình kinh doanh, dịch vụ rất phát triển, như: Du lịch thể thao; hàng hóa thể thao; trang thiết bị, dụng cụ thể thao; hoạt động thể thao nghiệp dư; hoạt động thể thao nhà nghề; thể thao giải trí; thể thao trong trường học; thể thao ngoài trời; quảng cáo thể thao; tài trợ thể thao… Các quốc gia tận dụng các cơ hội đăng cai các giải thi đấu quốc tế lớn để tạo dựng hình ảnh đất nước, phát triển các dịch vụ, hàng hóa thể thao, quản lý thể thao chuyên ngành, củng cố, cải thiện kết cấu hạ tầng cho thể thao, bản quyền truyền thông, du lịch…

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã coi thể thao là một ngành công nghiệp và được gọi là công nghiệp thể thao, trong đó Mỹ được xem như một trong những quốc gia đứng đầu về lĩnh vực này. Theo Statista.com, quy mô thị trường kinh tế thể thao của Mỹ năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vẫn là 73,04 tỉ USD. Thông tin mới cập nhật của trang này cho thấy quy mô thị trường tài trợ thể thao năm 2021 là 64,8 tỉ USD. Dự đoán đến năm 2030 là 112,2 tỉ USD. Trang này cũng đưa ra thông tin tổng doanh thu của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ mùa giải 2021-2022 là 10,02 tỉ euro trong đó CLB vô địch mùa giải này là Golden State Warriors thu về 765 triệu euro.

Giải bóng rổ nhà nghề (NBA) là giải đấu hái ra tiền của thể thao Mỹ

Giải bóng bầu dục Mỹ doanh thu năm 2021 là 17,19 tỉ euro. Đây là giải đấu có doanh thu lớn nhất thế giới, trong đó CLB Dalas Cowboy có doanh thu là 1,09 tỉ euro. 4/5 giải đấu có doanh thu lớn nhất thế giới cũng là của Mỹ. Trong đó giải bóng bầu dục Mỹ doanh thu năm 2022 là 17,035 tỉ euro; giải bóng chày là 10,476 tỉ euro; bóng rổ mùa giải 2021-2022 là 9,541 tỉ euro. Giải ngoại hạng Anh dù có lượng fan lớn trên thế giới nhưng chỉ đứng thứ 4 về doanh thu với 5,547 tỉ euro trong mùa giải 2020-2021; giải hockey nhà nghề Mỹ đứng thứ 5 với doanh thu mùa 2021-2022 với doanh thu là 4,920 tỉ euro.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt đưa ra ví dụ đầy thuyết phục là giải bóng rổ nhà nghề Mỹ. Từ giải đấu có doanh thu đứng thứ tư trên thế giới với 4,68 tỉ USD. Sau khi thay đổi chính sách, mở rộng thị phần, hỗ trợ nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam phát triển bóng rổ, đã kéo theo số lượng người yêu thích và theo dõi giải đấu này trên truyền hình tăng vọt. Chỉ trong vòng 1-2 năm qua, từ 4,68 tỉ USD, giải đấu này đã vươn lên đứng thứ 3 trong số các giải đấu có doanh thu lớn nhất thế giới với lợi nhuận ước tính là trên 5 tỉ USD, trong đó 50% lợi nhuận thu được từ bản quyền truyền hình.

Giải đấu thu hút các siêu sao như ca sĩ Taylor Swift cũng đến xem NBA

Đến các nước ở châu lục và khu vực

Những con số biết nói trên cho thấy nếu biết phát huy, kinh tế thể thao sẽ phát triển và tạo ra nguồn thu lớn cho nền kinh tế. Hiện nay kinh tế thể thao ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thực sự là một cỗ máy đồ sộ, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận, thu nhập và đóng góp khoản thuế đáng kể cho ngân sách các quốc gia.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Lim Song, Chủ tịch Công ty VSP, nhà đầu tư kinh doanh thể thao tại Việt Nam cho biết, một trong những bước tiến nhảy vọt của kinh tế thể thao Hàn Quốc phải tính từ năm 1988. Đây là năm Hàn Quốc đăng cai Olympic. Trước đó nền kinh tế Hàn Quốc còn kém phát triển, thậm chí còn nghèo hơn một số nước ở châu lục và trên thế giới. Nhưng đến nay giá trị của nền công nghiệp thể thao Hàn Quốc được định giá vào khoảng 54 tỉ USD. Và chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tới năm 2027 con số này sẽ tăng lên 75 tỉ USD. Trong khi ở Việt Nam, với hơn 100 triệu dân, hiện ước đạt khoảng 300 triệu USD.

“Có được sự thay đổi đó là do người Hàn Quốc đã xác định rằng thể thao không chỉ là dịch vụ công mà còn có thể tạo ra kinh tế. Có thể đem đến lợi nhuận to lớn. Vậy dựa trên cơ sở nào để đặt ra một bước tiến nhảy vọt như vậy? Trở lại năm 1988, khi ấy nếu hỏi bất kỳ một người Hàn Quốc nào câu hỏi liệu một ngày nào đó Hàn Quốc có thể trở thành top đầu thế giới được không, thì hầu hết câu trả lời sẽ là không. Nhưng sau thành công của Hàn Quốc tại Olympic năm 1988, đã tạo ra một sự thay đổi lớn về niềm tin của người dân và Chính phủ Hàn Quốc. Khi ấy chúng tôi đã tin rằng có thể tạo ra một sức mạnh giúp cho nền kinh tế Hàn Quốc đi lên. Cụ thể là Chính phủ Hàn Quốc đã đưa thể thao trở thành một trong những trụ cột kinh tế và từ đó xây dựng các thiết chế và quy định hành lang pháp lý để thúc đẩy nền công nghiệp thể thao phát triển. Ví dụ như luật pháp quy định các trường đại học, trường cấp ba thậm chí là trường tiểu học đều phải có những sân tập thể thao tiêu chuẩn. Từ đó tạo hứng thú đối về thể thao đối với các em ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó Chính phủ Hàn Quốc lập ra hai công ty kinh doanh cá cược thể thao và toàn bộ lợi nhuận của công ty này được đầu tư ngược lại cho thể thao Hàn Quốc”, ông Lim Song chia sẻ.

TS Huỳnh Trí Thiện (trái) và CEO của Thai League – ông Benjamin Tan (phải)

Theo TS Huỳnh Trí Thiện, ngành Quản lý thể thao, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), Thái Lan là quốc gia có nền kinh tế thể thao phát triển mạnh trong khu vực. Trong đó đáng chú ý Chính phủ nước này có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển thể thao. “2% thuế từ các ngành bia, rượu, thuốc lá sẽ được lấy để đầu tư lại cho thể thao. Hệ thống cơ sở vật chất dành cho thể thao của Thái Lan được đầu tư, duy tu, bảo dưỡng tốt. Ở Thái Lan, hầu hết hệ thống này được dùng phục vụ miễn phí cho người dân vào các buổi chiều, nhưng cái mà họ thu lại chính là việc kích thích cho các ngành kinh tế liên quan đến thể thao phát triển như các ngành may mặc, thời trang, dụng cụ thể thao… Đó cũng là bài học về cho và cách cho”, TS Huỳnh Trí Thiện nói.

Còn theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam Nguyễn Trà Giang, cách đầu tư cơ sở hạ tầng của Thái Lan cho ASIAD năm 1998 có thể xem là một ví dụ điển hình. Thái Lan đã lên kế hoạch ngay từ đầu, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho đại hội ở trong khuôn viên của một trường đại học. Sau khi kết thúc đại hội, Trường đại học tiếp tục sử dụng công trình phục vụ cho thể thao sinh viên, sử dụng cho các sự kiện thể thao quốc gia và quốc tế, cũng như được phép khai thác các hoạt động thể thao quần chúng khác để duy trì chất lượng của cơ sở thể thao đến tận bây giờ. Đây cũng là một mô hình rất đáng để học tập và áp dụng. Hay làng VĐV SEA Games tại Thái Lan đã được sử dụng làm khách sạn để các đoàn VĐV lưu trú thi đấu và tập luyện thể thao, mở các dịch vụ thu hút phục vụ các đội tuyển nước ngoài đến đây tập huấn. 20 năm trôi qua, làng thể thao vẫn đang vận hành tốt và đó cũng là kinh nghiệm mà chúng ta có thể học tập trong việc tận dụng các công trình thể thao phục vụ cho việc phát triển kinh tế.

THU SÂM

(Còn nữa)

Nguồn: Báo văn hóa Online

Đánh giá bài viết