Bóng đá Arab Saudi, bãi rác mới hay thiên đường mới?

Khi sự nghiệp của một cầu thủ nổi tiếng bước vào giai đoạn hoàng hôn, anh ta thường phải đưa ra một quyết định quan trọng. Có giải nghệ hay không? Có quay trở lại CLB đầu đời cho màn cống hiến cuối cùng đầy cảm xúc hay không? Trở thành HLV? Hoặc lựa chọn thứ tư là gia nhập một giải bóng đá hạng lông ở một xứ “hóc bà tó” nhưng giàu có để kiếm cú hốt bạc sau chót?

Điều này đã xảy ra với Cristiano Ronaldo vào tháng Giêng. Sau khi trở lại đầy cảm xúc trong lần thứ hai khoác áo Man United vào tháng 9/2021 sau 12 năm gắn bó với Real Madrid và Juventus, anh ta đã chọn chuyển đến CLB Al Nassr của Arab Saudi, đội bóng đã 9 lần VĐQG. Ronaldo đã ký một hợp đồng 2,5 năm trị giá 177 triệu bảng một năm. Thẳng thắn mà nói, không có CLB châu Âu nào có thể trả mức tiền lương như thế cho một cầu thủ sắp làm lễ “tứ tuần thượng thọ”. Nói nôm na, CR7 kiếm gần 3,5 triệu bảng mỗi tuần.

Giờ đây, Lionel Messi, nhà sưu tập Quả bóng Vàng hàng đầu thế giới (7 danh hiệu), có thể cũng đến Arab Saudi sau khi hợp đồng 2 năm của anh với PSG hết hạn vào tháng Sáu này. Huyền thoại Messi của Barcelona, người đã vô địch World Cup cùng Argentina hồi tháng 12 năm ngoái và bước sang tuổi 36 chỉ sau hơn một tháng, nhận được lời đề nghị trị giá gấp đôi Ronaldo – hơn 350 triệu bảng mỗi năm, hay 6,7 triệu bảng mỗi tuần từ Al Hilal – CLB từng 18 lần VĐQG.

Không có gói lương hưu nào hậu hĩnh như thế ở MLS, một nhà dưỡng lão ưa thích của các ngôi sao già. Cha của Messi, ông Jorge, tuần trước cho biết, con trai ông chưa đồng ý bất cứ điều gì về tương lai của mình. Nhưng dù Messi có theo chân Ronaldo hay không, chắc chắn một điều: Saudi Arabia đang định vị mình là thiên đường mới của bóng đá.

Phấn khích trước chiến thắng 2-1 ở vòng bảng World Cup của ĐTQG trước ĐT Argentina vào tháng 11 và Newcastle United – đội bóng thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia, có một suất tham dự Champions League mùa tới, và với một kho tiền dường như không đáy, quốc gia này đang sử dụng thể thao như một phương tiện để khẳng định mình trên toàn cầu.

Người Arab Saudi phấn khích khi ĐTQG đánh bại Argentina của Messi ở World Cup 2022

Tại sao Saudi Arabia lại làm điều này, dù là một hình thức “chất tẩy rửa thể thao”? Để chuyển sự chú ý của thế giới khỏi hồ sơ danh tiếng quốc gia đáng sợ? Để đa dạng hóa thu nhập của quốc gia khỏi dầu mỏ? Để tạo cơ hội đăng cai World Cup hay để giúp giảm tỷ lệ béo phì, bệnh tim và tiểu đường cao trong dân số trẻ của họ? Nhưng đã có một sản phẩm phụ thú vị từ những mục đích vừa nêu trên.

Các CLB trên khắp châu Âu giờ đây có thể coi Saudi Pro League và các nguồn tài nguyên khổng lồ của nó như một “bãi rác” của Luật Công bằng Tài chính (FFP); một ngôi nhà chào đón các cầu thủ với mức lương mà các CLB phương Tây không muốn trả hoặc không thể trả, để họ có thể tuân thủ các quy định tài chính của bóng đá.

Trong khi nhiều người sẽ phản đối mức lương quá cao mà các CLB Saudi Arabia quyết tâm chi trả, thì sẽ có những người khác coi đây là một con đường để giảm gánh nặng cho những cầu thủ không mong muốn. Thủ môn của Tottenham, Hugo Lloris là cầu thủ mới nhất được cho là có liên hệ với mức lương 300.000 bảng/tuần tới quốc gia Trung Đông này. Sergio Busquets của Barcelona, 34 tuổi, được Al Hilal muốn tái hợp với Messi.

Các báo cáo khác cho biết, CLB này đang thảo luận với một cầu thủ Barcelona khác, Jordi Alba, cũng 34 tuổi. Bộ đôi của Real Madrid, Karim Benzema Luka Modric, lần lượt 35 tuổi và 37 tuổi, Neymar, 31 tuổi của PSG và Pepe, 40 tuổi của Porto, là một trong số những mục tiêu khác – phản ánh tầm cỡ của cầu thủ mà giải đấu Saudi Arabia muốn.

Luật Công bằng Tài chính không được thực thi ở đó, vì vậy các CLB sẽ không lo lắng về việc tuân thủ các quy tắc đang hạn chế những gì các đối tác châu Âu của họ có thể chi tiêu. Kỳ chuyển nhượng mùa Hè của họ bắt đầu vào tháng 6 và sẽ đóng cửa vào tháng 9. Nhưng nếu nghĩ rằng chỉ có các CLB của Saudi Arabia thúc đẩy việc ký hợp đồng với các cầu thủ ngôi sao thì thật ngây thơ.

Rất nhiều cầu thủ châu Âu về già đang rắp ranh sang Trung Đông, tạo nên làn sóng mới đầy mùi tiền

“Đây không phải con đường một chiều. Các tay cò ở khắp các CLB ở Ả Rập Saudi, vì vậy nó đi theo cả hai cách”. Nhiều tay cò đã nói với báo chí Anh rằng, họ đang cố gắng xây dựng mối quan hệ với các CLB ở Saudi Arabia, với một số người nghĩ rằng, họ có thể tăng gấp đôi lương cho cầu thủ của mình và đảm bảo các hợp đồng dài hạn.

Tuy nhiên, một tay cò khác, người có thân chủ đã kiếm được gần 100.000 bảng mỗi tuần, tin rằng, nếu kiếm được một mức lương cao ở nền bóng đá này là một thành tích đáng tự hào, nhưng các CLB ở đây không phải ngu ngốc gì mà nuôi béo cô cầu thủ. Song, thị trường này đang có sức hấp dẫn cực đại.

Các quy tắc FFP hiện tại của UEFA có hiệu lực từ tháng 6/2022 và sẽ không có hiệu lực đầy đủ cho đến năm 2025. Như hiện tại, các CLB thi đấu tại các giải đấu của UEFA, chẳng hạn như Champions League và Europa League, chỉ được chi tiêu cho chuyển nhượng, phí môi giới và tiền lương của cầu thủ được giới hạn ở một tỷ lệ phần trăm nhất định trên doanh thu của họ trong một năm dương lịch.

Giới hạn hiện tại là 90%, mặc dù con số này sẽ giảm xuống 80% vào năm 2024, trước khi đạt mục tiêu cuối cùng là 70% từ năm 2025 trở đi. PSG, với Messi, Neymar và ngôi sao người Pháp Kylian Mbappe trong đội hình của họ, đã ghi nhận mức lương cao nhất cho một CLB bóng đá chuyên nghiệp – 728 triệu euro mỗi năm, theo báo cáo của Football Benchmark năm 2023.

Theo số liệu tài chính mới nhất, PSG đã ghi nhận khoản lỗ ròng 369 triệu euro cho giai đoạn 2021/22 và hóa đơn tiền lương của họ đã tăng 45% ở mùa giải trước sau khi ký hợp đồng với Messi, Sergio Ramos và Achraf Hakimi hồi hè 2021.

Ronaldo đang hưởng lương 3,5 triệu bảng một tuần, con số khiến cả châu Âu lác mắt

Tháng 9/2022, PSG bị UEFA phạt vì vi phạm quy định của FFP. Họ được yêu cầu trả 10 triệu euro vô điều kiện – trực tiếp hoặc thông qua doanh thu kiếm được từ việc tham gia các giải đấu của UEFA, cùng 55 triệu euro nữa, tùy thuộc vào việc tuân thủ các mục tiêu trong tương lai trong khoảng thời gian 3 năm.

Các đội bóng ở Premier League bị ràng buộc bởi một bộ quy tắc khác, nhẹ nhàng hơn. Các CLB được phép lỗ 105 triệu bảng trong 3 năm, hoặc trung bình 35 triệu bảng một mùa. Sau đó là việc kéo đòn bẩy khét tiếng của Tây Ban Nha và Barcelona để giảm bớt tình hình tài chính của họ.

Ở mùa giải 2021/22, nhà vô địch La Liga đã chi 518 triệu euro cho tiền lương và phí chuyển nhượng được phân bổ. Nhưng ở mùa này, con số đó đã tăng 27%, lên mức 656 triệu euro, sau khi ký hợp đồng với Robert Lewandowski, Raphinha và 5 cầu thủ mới khác ở mùa Hè 2022.“Chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào luật công bằng tài chính,” HLV Xavi của Barcelona, “Hiện tại, mọi thứ thật khó khăn”.

Trong bối cảnh bóng đá mà Southampton, đội đứng bét bảng và phải xuống hạng từ Premier League 2022/23, còn chi nhiều tiền hơn (132 triệu bảng) so với nhà ĐKVĐ Champions League Real Madrid (69,6 triệu bảng) và nhà vô địch Serie A 2021/22 AC Milan (42,3 triệu bảng) trong 2 kỳ chuyển nhượng gần nhất, Saudi Arabia mang đến khả năng thoát ra trong một hệ sinh thái nơi Barcelona, Milan và công ty không còn là lựa chọn khả thi để trả mức lương cao ngất ngưởng.

Và nó cũng hoạt động theo cách khác, với việc các CLB Saudi Arabia ký hợp đồng với những tên tuổi bóng đá lớn mà họ khao khát, bằng cách trả cho họ mức lương phù hợp. “Phương tiện để đạt được mục đích cuối cùng là thu hút càng nhiều người tham gia và chơi thể thao càng tốt, và nếu điều đó có nghĩa là trả cho các cầu thủ thật nhiều tiền, thì cứ như vậy đi. Nhưng chỉ có những ngôi sao già đến thôi, còn chớ hy vọng sẽ có Kylian Mbappe”, một tay cò tiết lộ.

Messi cũng chuẩn bị gia nhập thiên đường Saudi với mức lương cao gấp đôi Ronaldo

Theo nhiều cách, điều này giống như giải Chinese Super League khi xưa, bắt đầu nổi lên vào năm 2016 khi các CLB của họ bắt đầu trả phí chuyển nhượng khổng lồ để mua cầu thủ từ châu Âu và trả cho họ mức lương hậu hĩnh. Oscar, một tiền vệ quốc tế người Brazil từng chơi cho Chelsea, đã ký hợp đồng với Shanghai Port (sau đó đổi tên thành Shanghai SIPG) ở thời điểm đó và giờ anh vẫn chơi cho họ.

Những ngôi sao khác đầu quân cho Trung Quốc còn có Alex Teixeira, Jackson Martinez, Graziano Pelle, Paulinho và Mikel John Obi. Cựu tiền đạo của West Ham, Man United, Man City và Juventus, Carlos Tevez được cho là đã được trả 615.000 bảng Anh (765 nghìn đô la Mỹ theo tỷ giá hối đoái hiện tại) mỗi tuần hồi năm 2016 khi anh gia nhập Shanghai Shenhua.

Gareth Bale, có vẻ cũng sẽ gia nhập đội bóng Trung Quốc Jiangsu Suning từ Real Madrid trong kỳ chuyển nhượng tháng 1/2020, nhưng thỏa thuận lại sụp đổ ở rào cản cuối cùng. “CLB đã đồng ý với người đại diện của anh ta và đã có mặt ở đó. Nhưng Real đã quyết định không bán”, Cosmin Olaroiu, HLV khi đó của Jiangsu Suning cho biết.

Cho dù ý tưởng biến Trung Quốc thành một gã khổng lồ bóng đá toàn cầu cuối cùng đã thất bại, nhưng Saudi Arabia lại nhìn nhận khác. Saudi sẽ chỉ ra những gì họ đã đạt được về mặt cạnh tranh tại World Cup và mức độ hâm mộ bóng đá trong một quốc gia nơi 70% dân số ở độ tuổi dưới 35.

Liệu Messi, Ronaldo có giống Oscar và Tevez của trào lưu Trung Quốc một thời

Theo số liệu ở Saudi Arabia, số người tham dự các trận đấu bóng đá của họ đã tăng gấp đôi so với năm trước kể từ khi Ronaldo bắt đầu chơi ở đó vào tháng Giêng. Lượng khán giả đến xem các trận đấu của Al Nassr, bao gồm cả các trận sân nhà và sân khách, tăng 143% so với cùng kỳ năm ngoái. Các CLB đã chú trọng nhiều đến tài năng và sự phát triển của giải đấu.

Họ muốn biết cách làm cho các cầu thủ của mình trở nên tốt hơn, cho dù đó là gửi họ đến châu Âu cho mượn hay đưa họ vào các học viện ở châu Âu, cách họ có thể cải thiện khoa học thể thao và huấn luyện của mình. Đưa Messi vào giải đấu của họ là một bài PR và đến một lúc nào đó nó phải chững lại.

Bây giờ, những cầu thủ dưới đẳng cấp đó sẽ tiếp tục chứ không phải những người ở đỉnh cao thương hiệu của họ, bởi vì họ chỉ đang lãng phí tiền bạc. Một số cầu thủ thừa nhận rằng họ sẽ hơi sợ khi đến đó vì cơ sở vật chất và khoa học thể thao không đủ tốt, mặc dù họ biết rằng tiền có vai trò lớn. Nếu Saudi Arabia có thể nói rằng họ có cơ sở đào tạo tốt nhất, các bác sĩ và bác sĩ giỏi nhất thế giới và thêm vào đó là cầu thủ có thể kiếm được gấp đôi số tiền họ kiếm được ở Anh, thì sẽ có những cầu thủ trẻ hơn, triển vọng hơn đến đây. Ngoài các cơ sở đào tạo và khoa học thể thao, các cầu thủ và gia đình của họ sẽ phải xem xét thay đổi hoàn toàn lối sống nếu họ chuyển đến đây.

Văn hóa Trung Đông truyền thống và bảo thủ hơn, với tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong cách xã hội vận hành và cách mọi người sống cuộc sống của họ. Các cặp vợ chồng chưa kết hôn bị cấm sống cùng nhau và việc tuân thủ các diễn giải nghiêm ngặt về luật Sharia của đức tin Hồi giáo khiến LGBT+ trở thành bất hợp pháp, có thể bị trừng phạt bằng cách bắt giữ, đánh đập, bỏ tù hoặc thậm chí là tử hình.

Bất chấp những cải cách xã hội trong 3 năm qua cho phép phụ nữ có hộ chiếu riêng, đi du lịch nước ngoài và sống độc lập mà không cần sự cho phép của nam giới giám hộ, nhưng quyền của họ vẫn bị hạn chế ở xã hội này. Phụ nữ phải được sự cho phép của một người giám hộ nam để kết hôn hoặc phá thai hợp pháp. Tuy nhiên, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một loạt cầu thủ nối gót Ronaldo và gia nhập một CLB Saudi Pro League.

Không rõ liệu họ có đang được sử dụng như những con tốt trong một ván cờ vua dẫn đến việc Saudi Arabia đăng cai tổ chức World Cup vào năm 2030 hay không, như nhiều người nói, được ký hợp đồng để truyền cảm hứng cho trẻ em ở đó tham gia thể thao và cải thiện sức khỏe của quốc gia.

Nhưng ngay cả khi nhận thức của phương Tây là ngôi sao già đến đó chỉ vì tiền, thì điều đó cũng khó có thể gây ra những đêm cuồng nhiệt ở vương quốc này. Nhiều CLB châu Âu chắc chắn sẽ rất vui khi được bán cầu thủ già cho Saudi Arabia, đặc biệt nếu họ có thể thu được khoản phí chuyển nhượng đáng kể và giảm hóa đơn tiền lương trong quá trình này.

Nguồn: Bóng Đá +

Đánh giá bài viết