‘Chưa huy động hết nguồn lực để thể thao Việt Nam phát triển bền vững’
“Thể thao Việt Nam đã phát triển mạnh đặc biệt trong thời gian gần đây. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa huy động được hết các nguồn lực để giúp thể thao phát triển bền vững, nhất là khi thể thao Việt Nam đang nhắm đến những đầu trường lớn như ASIAD hay Olympic”, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Đặng Hà Việt phát biểu ở diễn đàn kinh tế thể thao 2023.
Sáng 3.6, diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam năm 2023 được tổ chức, thảo luận xoay vấn đề quanh dòng tiền trong kinh tế thể thao với trung tâm là giải đấu. Ba phiên thảo luận được thực hiện bởi các nhà quản lý, diễn giả có uy tín trong và ngoài nước.
Vấn đề chủ chốt được Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt đề cập ở diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2023, đó là định vị các giải đấu và cách thức thu hút tài trợ cũng như khai thác bản quyền truyền hình để từ đó tạo những dòng tiền đổ vào giải đấu để giúp thể thao phát triển.
Ông Đặng Hà Việt nêu quan điểm: “Hiện tại trên thế giới các giải đấu như bóng bầu dục, bóng chày tại Mỹ đang dẫn đầu về việc tạo ra doanh thu. Xếp sau đó là những giải đấu như bóng rổ NBA hay giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Đó đều là những giải đấu có doanh thu trên 5 tỷ USD.
Trong khi đó ở Việt Nam mới có rất ít giải đấu tạo ra nguồn doanh thu lớn từ tài trợ, từ bản quyền truyền hình đó là V-League hay bóng rổ VBA. Chúng ta cần biết rằng nguồn thu từ bản quyền truyền hình thường chiếm đến 50-70% doanh thu của giải đấu.
Chính vì vậy, diễn đàn này gợi mở cho các liên đoàn, hiệp hội, nhà tổ chức giải đấu cách thức “định vị được khách hàng tiềm năng của mình”, cách thức thu hút người hâm mộ quan tâm theo dõi nhiều hơn, và đặc biệt là cách thu bán tài trợ, bán bản quyền truyền hình hiệu quả tối đa”.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt, việc quản lý vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình là rất khó khăn. “Hiện tại ngành thể thao chưa có quy định cụ thể liên quan đến việc này. Tôi nghĩ việc này rất quan trọng, cần thiết, và phải có phương hướng xử lý triệt để để đảm bảo quyền lợi cho các đài truyền hình chính thống sở hữu bản quyền truyền hình.
Vai trò của truyền thông cũng rất quan trọng trong việc kêu gọi ý thức tôn trọng, bảo vệ bản quyền truyền hình. Tới đây ngành thể thao sẽ họp và trao đổi với các liên đoàn, hiệp hội, đặc biệt là liên đoàn bóng đá, bóng rổ bởi đây là hai đơn vị đang có bản quyền truyền hình quan trọng, để tìm phương cách xử lý việc vi phạm bản quyền truyền hình. Việc này sẽ được xử lý rốt ráo bởi nếu không sẽ để lại hệ luy nghiêm trọng ảnh hưởng tới nhiều giải đấu ở nhiều bộ môn, liên đoàn khác”.
Bên cạnh vấn đề bản quyền truyền hình như ông Đặng Hà Việt đã nêu, tại buổi thảo luận, những lát cắt về các vấn đề trong kinh tế thể thao được gợi mở, bàn luận dựa trên cơ chế chính sách về thể thao, thực trạng thể thao Việt Nam và kinh nghiệm, bài học thành công từ các mô hình kinh tế thể thao ở các nước trên thế giới. Từ đó gợi mở, giúp hoạch định ra tầm nhìn chính xác về nền kinh tế thể thao tại Việt Nam.
Trên thế giới, thể thao ở nhiều nước đã thực sự trở thành một ngành nghề trong hệ thống kinh tế. Kinh tế thể thao là một cỗ máy đồ sộ, liên kết với nhiều ngành nghề sản xuất dịch vụ khác, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận, thu nhập, đóng góp khoản thuế đáng kể cho ngân sách quốc gia và tạo ra các giá trị xã hội tích cực.
Bối cảnh chung của thể thao Việt Nam những năm gần đây ngày càng khởi sắc, chúng ta đã có nhiều thay đổi và cách làm hay để thúc đẩy xã hội hóa thể thao, từng bước huy động được sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội để thể thao phát triển và giành vinh quang, từ châu lục đến cả Olympic. Điển hình là SEA Games 31 thăng hoa, vượt qua nghịch cảnh và nỗi lo sợ đại dịch để vươn tới những thành công rực rỡ, một kỳ đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX nhiều đột phá. Gần đây nhất đoàn thể thao Việt Nam lần đầu tiên xếp nhất toàn đoàn với 136 HCV ở SEA Games tổ chức tại nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam nhìn chung được đánh giá vẫn nằm trong vùng chậm phát triển nền công nghiệp thể thao. Vì vậy rất cần phải học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, gấp rút thay đổi, tăng tốc để không tụt hậu và xây dựng được nền công nghiệp, kinh tế thể thao vừa phù hợp với điều kiện chính sách, nguồn lực xã hội hóa nhưng cũng phải thích nghi, bắt nhịp với xu hướng phát triển công nghiệp, kinh tế thể thao nói chung của khu vực, châu lục và thậm chí thế giới.
Diễn đàn diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2023 được tổ chức với mục tiêu tạo ra diễn đàn mở nhằm quy tụ những quan điểm, ý kiến, chia sẻ, kinh nghiệm quý báu toàn diện từ các cơ quan tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển nền kinh tế thể thao Việt Nam cả ở thời điểm hiện tại lẫn trong tương lai.
Nguồn: Báo Thanh Niên